Old school Swatch Watches
blogqn.wap.sh - Trang tải game, phần mềm ứng dụng và giải trí miễn phí!
BonBa9x.Wap.Sh
Thế Giới Giải Trí Cho Mobile
Cho Bạn Và Cho Tôi
Truyện tâm linh
Chương Mười Bốn

Ấy là vì cứ khi nhìn thấy hai bóng ma đó hiện lên trong nhà thì tôi lại nhớ đến người bạn quá cố là Trần Hữu Lăng tử tế thực thà là thế mà lại đi chết tức tưởi, chết một cách vô nghĩa vô lý thế.

Nói cho đúng, không thiếu gì cái chết vô nghĩa lý ở đời, nhất là trong thời tao loạn như lúc này. Nhưng cái chết của ông Lăng lại còn gài thêm một cái gì huyền bí, kỳ quái làm cho người còn sống khó chịu, bực tức vì nghĩ mãi không thể nào hiểu nổi, không thể nào tìm ra được một ý nghĩa, một lý do.

Là vì tôi yên trí một cách chắn chắn ông Lăng không chết vì bịnh tật.

Sau đó ít lâu, vì nguyên nhân gì không rõ, nhà chức trách áng chừng cũng nghĩ như thế đã mở một cuộc điều tra làm cho tôi và một số bạn hữu phải đi lại cò bót có tới hơn tháng trời, nhưng rốt cuộc lại thì vụ này cũng xếp qua một bên.

Tuy nhiên, vì thế mà cái chết của ông Lăng đã bị quên lãng một thời gian tự nhiên nổi lên trong bọn chúng tôi sau mỗi khi đi cò bót để khai với nhà chức trách. Tôi không hề kể cho nhà chức trách nghe một chút gì về hai cái bóng hiện lên trong nhà tôi và cũng không đả động tới vụ ông Lăng chửi rủa và quăng ly liệng ghế vào hai cái bóng đó, nhưng bây giờ thì tất cả bọn chúng tôi đều biết vụ đó và thường hỏi thăm về hai con ma có còn hiện lên thường như trước nữa không?

Chắc ông bạn chưa quên là trước khi tôi làm lễ tân gia đặt bàn thờ tiền chủ và thổ địa, có một dạo Mệ Hoát và Phương Thảo không thường hiện lên ở nhà tôi. Từ ngày ông Lăng mất, hai cái bóng ấy lại hiện lên thường xuyên, nhưng bây giờ thì họ không lấy chổi quét nhà, hay moi móc trong hộc tủ, khe bàn, không ra gác sân hay với lên xích đông để tìm kiếm đồ vật như trước nữa.

Tôi thấy họ nói với nhau những cái gì lâu lắm rồi cúi xuống, đứng lên như thể bày biện những cái vật gì quý lắm, thế rồi có khi họ biến mất cả tuần lễ, rồi đột ngột một hôm trở lại ra cái vẻ vui hơn thường lệ. Một hôm, Mệ Hoát ngồi xuống cái ghế kê ở trước mặt tôi, nói:

“- Tôi đã bắt đầu tìm được chỗ nó cất giấu rồi ông ạ. Nhưng một trăm phần, may ra còn được năm sáu phần mà thôi, nhưng có còn hơn không, ông ạ. Thể nào tôi cũng trả ơn ông vì ông đối xử với tôi quý hóa vô cùng. Những quân độc ác, ỷ mạnh cậy giàu, đến cướp nhà người ta, hãm hiếp đàn bà con gái, làm cho cả gia đình người ta xáo trộn tan nát, ta không thể nào tha thức được.

Ai tát mình bên mặt, đưa má bên kia cho người ta tát luôn đi… Lấy ân trả oán, oán mới tiêu tan, lấy oán trả oán, oán kia còn mãi….Chèng ơi, tất cả những lời đó nghe đều đẹp cả nhưng có phải ai sinh ra đời cũng là Phật, là Chúa cả đâu…Thấy giáo chủ Mohamed tương đối thực tế hơn: ai đánh mình thì mình đánh lại, nếu không nhịn được…. thầy Tư à, trước khi tôi chết đi, tôi cũng là người…ai đánh thì tôi đánh lại…”

“Chết tôi rồi! Càng ngày tôi lại càng không hiểu được Mệ Hoát nói gì, càng ngày tôi càng thấy hai bóng ma này quá ư rắc rối. Không chừng mình loạn trí mất rồi”.

Tôi nói như thế với một hai người bạn. Ai cũng bảo tôi nói dại.
- Chẳng qua là tại anh cảm xúc về cái chết của Trần Hữu Lăng quá mạnh đó thôi. Thêm một lẽ nữa là vì mệt mỏi vì bận rộn nhiều việc quá. Anh nghỉ ngơi một ít lâu thì lại bình thường ngay chớ gì!

Một ông bạn khác khuyên tôi mỗi buổi tối uống một hai viên thuốc an thần. Nhưng ông Ba Sạng thì nhất định cho thuốc men là bậy hết vì, theo ông, bao nhiêu chuyện xảy ra thế này, hoàn toàn tại vì cái đất hết, cúng kiếng đã đành là tốt đấy, nhưng chẳng có gì hay hơn là dọn béng nhà đi nơi khác mà ở, có phải là chắc bụng không.

Tất cả những “ truyền thuyết” về vùng Chợ Quán, tôi đã nghe và đọc thấy trong các sách vở, tự nhiên lại trở lại trong óc tôi và tôi kêu lên những tiếng nhỏ bé như tiếng trong tổ ong lúc “chia quân”. Tôi hỏi ông Ba Sạng:

- Thưa cụ, theo cụ thì những lời truyền đó, có đúng không? Cụ có tin rằng Chợ Quán có ma nó phá vì nhà cửa ở đó choán đất chùa Miên và đồng ruộng của người Miên?

- Tôi cũng nghe thấy thế. Ngoài ra lại còn nhớ mang máng rằng các cụ ngày xưa còn cho là đất Chợ Quán ở không yên, ma hoành hành dữ dội là vì người ở đấy đã phát nát hai ngôi chùa ngang nhà Thờ Chợ Quán: một là chùa “Kiêm Tiên Tự” sau đổi là “Nhân Sơn Tự” và một là “Chùa Gia Ðiền” bị phá năm 1885.

Trước đây, lúc còn hai ngôi chùa ấy, thiên hạ làm ăn êm ả lắm. Từ ngày chùa bị phá đi, ma quỷ không còn ai coi ra gì nữa, tác ác lộng hành quá cỡ, do đó Chợ Quán thành ra một đất dữ dằn, không kém khu Thuận Kiều ngày trước. Nhưng nói thế không phải tất cả khu Thuận Kiều hay Chợ Quán đều dữ đâu. Ở khu Thuận Kiều đất dữ là cái vùng đồng ruộng khỏi Chợ “Cây Da Thằng Mọi” mà đến bây giờ người ta còn nhắc trong câu hát:

“Cây Da Thằng Mọi, coi bán đủ thuốc Xiêm cau mứt
Cái cầu Cao Miên, thấy làm nguyên cột vắp ván trai”

Còn ở Chợ Quán, đất dữ nhất là cái vùng Kim Tiên Tự ngày trước, và những cái hẻm chung quanh đấy đi ra “Chợ Hôm”, “Chợ Mai”, “Xóm Bột”, “Rạch Bà Ðô”. Lâu lắm, tôi không về đay thành ra không biết tên những con đường mới kêu là gì, nhưng tôi nhớ mang máng ngày trước ở đây có bà người Huế lập một cái Quán tên là “ Quán Bánh Nghệ” ở dưới một gốc me lớn. Bánh nổi tiếng quá đến nổi cả xóm phải lấy cây me làm mục tiêu mà gọi là “Quán Bánh Nghệ của bà người Huế ở xóm cây me mát”.

Chuyện này kéo nhằng ra chuyện nọ, tình cờ, tôi được ông Ba Sạng cho biết về Mệ Hoát - người đàn bà Huế nói vào tai tôi, hiện lên trong nhà tôi, mến thương tôi nhưng từng làm cho tôi loạn óc, muốn vào nhà thương Biên Hòa.
Chương Mười Lăm

Bà người Huế bán bánh nghệ ở xóm Cây Me Mát chính là Mệ Hoát mà chúng ta đã thấy xuất hiện lên cùng với cháu là Phương Thảo tại căn nhà nhỏ của tôi ở khu Chợ Quán. Mệ ở đâu mà lại tới đây lập quán? Theo các cụ kể lại, khu Võ Tánh hiện nay, trước đây, kêu là khu Thuận Kiều. Ở đó có trại Ô Ma, Chợ “Ðiều Khiển”, “Sở nuôi ngựa”, của binh Pháp cất trên một ngôi chùa cũ kêu là “Kim Cương Tự”. Trong thành lính tập Ô Ma, có miếu thờ các công thần nhà Nguyễn lập năm 1804, kêu là “Hiển Trung Từ” có bài vị thờ 1,015 tử sĩ liều mình vì nước. Năm 1927, miếu này được trường Bác Cổ trùng tu.

Qua năm 1930, triều đình Huế cử một đại thần vào trong này tế tự. Ngài cùng đi với phu nhân. Không hiểu vì sao hai ông bà bất đồng quan điểm ra sao (ông thì kêu một ngàn mười lăm tử sỉ ấy là những nhà ái quốc liều mình vì nước trong các trận chống Tây Sơn mà bà, trái lại, lại cho những người ấy mù quáng không biết phân biệt thù với bạn), bà ở lại không trở về Huế nữa, can đảm lập ra cái quán bánh nghệ nói trên và sống với một người cháu (kêu bằng dì nhưng thật ra là cháu nuôi).

Vì không muốn lưu lại một tàn dư với người chồng trước, bà xưng là Mệ Hoát (lấy cớ tên cố sơ là Huyết, phải cữ, nhưng chính thực để khỏi nhắc đến tên chồng cũ là Huyết) nhưng dân ở đó kêu bà là “bà người Huế bán bánh nghệ”. Ai cũng mến thương bà vì không những bà lịch sự khéo ăn khéo ở với lối xóm mà lại còn thông văn sách, đêm đêm rãnh rỗi mà ngâm thơ chữ nôm thì ai cũng phải say mê, mặc dầu không hiểu ý câu thơ phú đó.

Ngoảnh đi ngoảnh lại được mười hai năm trời, cái quán bánh nghệ của bà đã được sửa sang to tát, rồi quên đi một dạo nữa, bà đã xây thêm được ba gian nhà ở cách cái quán bánh nghệ chừng hai trăm thước.

Ba gian nhà ấy, theo lời ông Ba Sạng, tức là chỗ tôi đang mướn ở một gian bây giờ.

Năm 1940, Nhật đổ bộ lên Ðông Dương. Thấy tình hình rối ren, bà không bán quán nữa, giao cho cháu là Phương Thảo trông nom. Còn bà lúc ấy đã già rồi, vào khoảng bảy mươi tư bảy mươi lăm gì đó – thì rút về ở trong giãy nhà ba gian do bà xây cất để ngâm thơ, đọc sách và thỉnh thoảng lại làm một vài thứ mứt, kẹo để trước là thưởng thức sau là đem biếu các bà con trong thôn xóm. Vì bà là một người không những không văn hay chữ tốt mà lại tài nghệ nấu nướng, nhiều sĩ tử lúc bấy giờ thường đến sưởng họa và bàn thời thế, nhưng đặc điểm của bà không phải ở chổ đó.

Bà được nhiều người mến phục, còn vì một điềm khác mà có thể nói là ít có người đàn bà con gái nào sánh được: Mệ Hoát sành đồ cổ đến cái mức mà nhiều người đàn ông chơi đồ cổ lúc bấy giờ đã phải suy tôn là “người có ngọc nhỡn trong khoa chơi đồ ngoạn” và mỗi khi mua sắm thức gì vẫn phải đến hỏi ý kiến hay nhờ bà coi giúp.

Vào lúc bà được ngót bảy mươi hai tuổi, nhà bà là cả một kho tàng cổ ngoạn, đồ nhiều và quý có khi còn hơn cả Viện Bảo Tàng.

Thôi thì không còn thiếu thức gì: lọ lục bình đời Ðường, men Tống Ngọc, thúy hồng, thúy lục, các cỡ ấm, bình, chóe, nước da Ðông Thanh, đỉnh đồng thời Thương, Ân, Châu, Hán nhất nhất đều có, nhưng quý vào bậc nhất là những cổ vật đào tại Trường An, Hàm Dương ở nhà bà cũng có.  Thậm chí những nhà chơi đồ cổ nổi tiếng ở Ðế Kinh, Bắc Việt nghe tiếng bà tìm đến, thảy thảy đều phải lấy làm ngạc nhiên sao nhà bà nhiều đồ xưa quý lạ quý đến thế và tự hỏi không biết bà sưu tập tự bao giờ mà có được một kho tàng báu vật lạ lùng đến thế.  Có người sưu tập sách cổ; có người mê chim mê đoàn; có người mê tranh mê chữ; nhưng mê cổ ngoạn đến như Mệ Hoát thì có lẽ chưa thấy có ai như vậy.

Thường thường, người ta mê cổ ngoạn vì cho cổ ngoạn là đồ xưa, quý tại cách chế tạo tinh vi đến tột bực mà phương pháp đúc nặn, chế men, pha thuốc đã thất truyền; ngày nay, khoa học dù tân tiến đến cái bực bắn phi đạn lên được cung trăng, thả người xuống hang tháng trời dưới biển cũng không thể nào nhái được cách chế men, pha thuốc ấy hay tìm được phương pháp làm lại cái thể chất của món sành, món sứ y như ngày trước.

Mệ Hoát mê cổ ngoạn, sưu tầm cổ ngoạn suốt đời người không phải chỉ vì thế, nhưng chính vì tin tưởng cổ ngoạn là những cái gì thiêng liêng có muôn ngàn phép thần thông và tiềm tàng những tác dụng phi trường, kỳ bí.

Còn ai không biết chuyện viên ngọc bích Biện Hòa nước Sở đời Chiến Quốc? Sử ký Trung Hoa chép rằng: ngày xưa Tần Thủy Hoàng được ngọc ấy sai thợ gọt thành quả ấn, trên núm trạm năm con rồng và khắc ở dưới tám chữ triện, nguyên chữ của thừa tướng Lý Tư: “Thụ mang vu thiên, kí thọ Vĩnh Xương” để làm “trấn quốc chi bửu ấn”. Một hôm Tần Thủy Hoàng đi tìm thuốc trường sinh qua Dương Tử Giang bị Hà Bá làm cho sóng to gió lớn không thể nào qua được. Tần Thủy Hoàng sai quan cầm cái ấn ngọc ném xuống Dương Tử Giang. Tức thì sóng lặng gió êm; thuyền bè đi lại trên sông thong thả. Việc đó há chẳng đủ chứng tỏ rằng ngọc quý có thể trấn ếm được quỷ thần làm dữ hay ít ra chư thần sông núi thấy ngọc quý củng phải mê mẫn mà là điều tham nhũng đó ư?

Ðến chuyện ngọc tỉ trong Tam Quốc, bọn Thập Thường Thị làm loạn, hiếp bức thiên tử, đem Thiên Ðế ra Bắc Man rồi đánh mất viên ngọc tỉ.

(Tài liệu do Vương Hồng Sển thương thập được đưa ra nói chuyện tại trường Đại Học Văn Khoa Sài Gòn ngày 30-12-1957).

Sau đó ít lâu, Tôn Kiên thấy hào quang chiếu nơi giếng loạn ở sau đền Kiến Chương, bèn sai người xuống mò, thì tìm thấy ngọc tỉ do bà Hớn Hậu tránh nạn Thập Thường thị ôm ngọc tự trầm dưới giếng. Tôn Kiên vì ham giữ ngọc cho mình nên bị chư hầu hiệp nhau đánh bại, giết đi. Con của Tôn Kiên là Tôn Sách có óc thực tế hơn. Sách nối nghiệp cha, lại là người có chí lớn, đem dâng ngọc ấn cho tướng Viên Thuật, đổi được ba ngàn tinh binh, nhờ đó Sách gây dựng cơ đồ lập nên nghiệp bá, làm chúa đất Ðông Ngô. Như vậy có phải lả cổ ngoạn quý đến cái mức giúp người ta xây dưng được nghiệp lớn không?

Nhân câu chuyện này, sách cũ còn ghi rằng chỉ có người có tài có đức thì ngọc quý mới theo mình, còn những người bạc phúc, kém đức thì ngọc bỏ đi mất.

Thì đó, sau này khi họ Tư Mã đánh thắng ba nước Ngô, Ngụy, Thục tóm thâu thiên hạ làm một mối, dựng nên nước Tấn thì ngọc tỉ lại trở về nước Tấn. Có người là Anh Vương nghiệm ra rằng “luôn luôn ở nước Trung Hoa, đời này kế tiếp đời kia, hòn ngọc bích Biện Hòa, do Tần Thủy Hoàng chế nên ấn truyền quốc ngọc tỉ, ấn ấy được xem là báu, quý nhất trong nước, hễ lọt vào tay ai thì người đó làm vua cả nước Trung Quốc.  Lại đến mấy viên ngọc thêu trên lá Trân Châu kì của tướng Ðịch Thanh đời Tống, đi bình Tây Liêu lấy đem về. Anh Vương ghi chép trong sách là mãi mấy trăm năm giữ kín trong kho quốc gia như bao nhiêu vật quí khác mà không biết dùng, qua đến đời nhà Thanh, gặp vua Càn Long là tay lịch duyệt phong lưu nhất đời, vừa thông thạo khoa chơi đồ cổ, vừa có óc tân ký, vua Càn Long bèn lấy ngọc ra kết làm nút áo trên chiếc ngự bào. Những hột ấy như sau:

- Tị thủy châu, có phép cản nước, ngăn nước không cho chảy lan trần ướt át.

- Tị trần châu, có phép kị bụi, kị cát, làm cho trọc khí biến thanh.

- Tị hỏa châu, có tài đón gió, kị bão tố phong ba.

- Ðịnh kiếm châu, đón ngăn kiếm khách đao thương, khiến không chạm được đến mình.

Mặc được cái áo có trạm năm hột nút báu ấy thì khỏi lo nước lửa, gió bụi, đao kiếm chi cũng động chạm đến bản thân.

Nhiều người nghe thấy chuyện ấy cho là hoang đường, dè đâu đến năm 1945, một tờ báo Pháp lại kể chuyện phế đế Phổ Nghi không được chánh phủ Nhật chu cấp đủ dùng, phải đem năm viên bảo ngọc ấy thế chân trong một ngân hàng (hình như là của Nga).

Sưu tầm cổ ngoạn, Mệ Hoát quan niệm cầu kì như thế nhưng ít khi nói ra với người khác. Người đàn bà ấy, bề ngoài khiêm nhượng nhưng thực ra thì ở trong lại cao kỳ, cho rằng có nói ra thì cũng chẳng mấy ai hiểu nổi, nên chỉ giữ ở trong lòng. Do đó, có nhiều người lạ tìm đến mệ xin coi cổ ngoạn, mệ thường cho người ra nói là đi vắng, hoặc có cho vào thì cũng chỉ tiếp cho có lệ mà thôi.



- MỤC KHÁC
giới tính l Phần mềm l Xem bói l girl xinh vn l Game Hot l girl xinh l GIẢI TRÍ l Trà sữa l mẹo vặt l thủ thuật l sms l Cẩm nang l nhạc chuông l Đọc Truyện
Hosting By Xtgem.com
U-ON bonba9x