Insane
blogqn.wap.sh - Trang tải game, phần mềm ứng dụng và giải trí miễn phí!
BonBa9x.Wap.Sh
Thế Giới Giải Trí Cho Mobile
Cho Bạn Và Cho Tôi
Truyện tâm linh
Chương Mười Hai

- Ờ tại sao, tại sao lại có chuyện tự nhiên nổi nóng như thế, hở ông? Hai cái bóng trắng ấy nói nhỏ gì vào tai Tôkubê khiến cho y phát khùng lên ném bàn quăng ghế và đòi giết chết cả hai vậy? Chắc ông đã hỏi Tôkubê rồi. Thế thì Tôkubê đã nói gì với ông? Nói đi ông, tôi ham biết nguyên do câu chuyện quá!

Nóng ruột hết sức, Ômya đặt ly rượu xuống không uống nữa, thúc dục tôi tới hai lần, tôi mới thong thả đáp:

- Có chứ. Hôm sau, đợi đến lúc Tôkubê bình tĩnh, tôi đem câu chuyện ra khẻ hỏi tại sao mà tự nhiên ông lại nổi nóng lên như vậy. Thì ông có biết thái độ của Tôkubê thế nào không? Y như người bận rộn nhiều vấn đề trong óc mà bị người khác làm phiền, ông ta vặc với tôi. Tất nhiên là ông cố giữ lễ độ với anh em, vẫn cười mà mặt thì cố không để lộ ra quạu cọ, nhưng cái gì chớ cái đó thì tôi biết lắm: đúng là ông Tô không muốn nói gì hết; ông muốn để cho ông yên; hỏi nữa thì mang tiếng là tò mò, dò chuyện không hay gì hết.

Sau đó mấy ngày, ông Tôkubê không đến nhà tôi nữa. Thường thường, trước đó, cứ cách một ngày ông lại đến chơi mặc dầu tôi ở Chợ Quán mà ông thì ở mãi bên Thị Nghè.

Ông năng đến nhà tôi như vậy vì tình bạn đã đành, nhưng ông vì công việc buôn bán nữa.

Tôi cộng tác với hai người bạn khác xuất cảng sơn mày đi một vài nước Á Châu. Ông Tôkubê đại diện cho một hang buôn ở Nhật đến tìm tôi đặt hàng. Gặp khi nào rãnh rỗi, ông cùng tôi lại nhậu nhẹt với nhau, nếu không thế thì lại rủ nhau đi la cà hết Chợ Lớn, Sài Gòn, Hàng Sanh, Vĩnh Hội để tìm mua đồ cổ vì tôi cũng biết xem đồ cổ ít nhiều mà ông Tôkubê thì ham mua lắm, vì ông cho rằng đồ cổ Á Châu quý nhất trần đời, không nước nào Âu Châu có thể sản xuất được; đầu tư vào đồ cổ “ăn chắc” nhất mà lại lời vô kể.

Từ khi tôi được quen biết ông ta, riêng tôi, đã thấy ông sắm được nhiều cổ đồng ten rỉ, điếu sứ lạc tinh mòn lỳ, nhiều độc bình, chóe toàn bích da rạm đậm nét lạ lùng, nhiều ngoạn ngạc kí Càn Long, Gia Khánh cùng tô đĩa, chén trà cái thì vẽ cành mai, nhành trúc, cái thì vẽ khúc sông con đò điểm những bài thơ ngũ ngôn bát cú… Vậy mà không hiểu ông cất đâu hết cả. Bằng chứng là đến phòng ông ở, tôi chẳng thấy gì hết. Hỏi thì ông bảo đem về nhà ở miền Trung, trong dãy Trường Sơn.

Vâng, sau ngày đánh nhau với hai cái bóng trắng ở nhà tôi, ông Tôkubê bẵng đi gần lễ không lại nữa.

Vào lúc không ngờ nhất, một buổi sáng kia ông tự nhiên lại đến tìm tôi. Tôi cảm thấy tinh thần ông vẫn chưa trở lại bình thường. Ông nói nhiều câu khó hiểu. Thỉnh thoảng, nhân một hai câu chuyện không đâu, ông gắt gỏng với tôi. Lạ nhất là thỉnh thoảng ông lại nói một mình: “Tra khảo! Tra khảo! Tao lì lắm, chớ có trêu vào mà chết!”.
Vừa nói, ông vừa nắm tay lại, tỏ ra hung mạnh và can đảm. Nhưng tôi thì nghĩ ngay đến những đứa trẻ sợ ma, đứng ở trong nhà nhìn ra trời tối ở bên ngoài mà la hét, làm ra cái bộ “ta đây không sợ” nhưng chính ra là sợ quá, sở dĩ la hét như thế chỉ để tự mình đánh lừa mình mà thôi.

Thấy ông Tôkubê hành động như vậy, tôi càng ngạc nhiên hết sức. Một trăm một nghàn lần, tôi tự hỏi không biết ông Tôkubê có chuyện gì với Mệ Hoát và Phương Thảo mà từ hai hôm bên đụng nhau thì ông Tôkubê tự nhiên lại thay đổi khác hẳn đi như thế.

Người ta vẫn thường nói, những người gặp ma dữ mà hợp nó, ma nó làm. Hay là trường hợp của ông Tôkubê là thế chăng? Tôi tự nghĩ thầm như thế và chính vì thế có nhiều đêm tôi thao thức không ngủ được. Kết cục, tôi vẫn hoàn toàn chưa được hiểu biết gì về vụ Tôkubê chưa hé thấy một ức đoán nào đáng để ý thì đã đến thì đã đến ngày ăn tân gia, tôi sửa lễ thiết lập hai bàn thờ tiền chủ và thổ địa.

Mấy hôm nay, tôi buồn muốn chết, suốt ngày chẳng đi đâu. Tôi cắm đầu viết –“viết như một con trâu con ngựa”. Ở đời, thử hỏi đối với một thằng người, có gì xấu xa hơn, khổ sở hơn là làm nghề viết hay không? Không che đậy tâm trạng một li - mà tôi phải che đậy, giấu giếm tâm trạng làm gì chứ? – có rất nhiều lúc tôi cảm thấy tất cả những người đi lại cười nói ở trên đời này đều vàng khè ra cả - mà chỉ có người ta là vàng khè ra như vậy mà thôi.

Phải chi phong cảnh, đồ vật, khí trời, cây cối cùng vàng một mầu như thế thì cũng được đi, vì toàn thể cùng nhuộm chung một màu sắc như nhau cả, nhìn cũng đỡ gai con mắt…

Nhưng…trời sui khiến làm sao lại không như thế. Bao nhiêu cảnh sắc ở chung quanh tôi nguyên vẹn y như trước duy chỉ có người ta là biết đi biết nói…Tôi chán nản hết sức và chính giữa lúc ấy thì tôi nhớ hai bóng ma Mệ Hoát và Phương Thảo không biết chừng nào.

Ấy là vì từ khi xảy ra vụ ông Tôkubê ném ghế, liệng ly, chửi rủa Mệ Hoát và Phương Thảo, hai cái bóng trắng đi biền biệt đâu mất không thường xuyên xuất hiện ở nhà tôi như trước nữa. Thế rồi tự nhiên vào trước hôm tôi cúng tân gia, hai cái bóng trắng lại hiện ra đột ngột. Tôi nói:

- Chào Mệ Hoát và Phương Thảo! Sao lâu nay không thấy Mệ Hoát vào lại đây? Tôi có làm điều gì thất lễ chăng?

- Ðâu có! Cách ăn ở của thầy Tư đối với chúng tôi ít có ai theo kịp. Không nói lấy lòng thầy đâu, thầy là người xử thế ít có, nhưng….

Ðến đây, Mệ ngừng lại không nói nữa. Ðón ý Mệ, tôi hỏi:

- Nhưng có phải ông bạn tôi đá làm phật ý Mệ vào không? Nếu quả như thế, tôi xin lỗi giùm cho ông bạn. Ông ta tốt, nhưng nóng tính, có lẻ là vì rượu.

Mệ Hoát cựa mình, cái bóng lớn ra thêm rồi một lúc sau trở lại như cũ. Mệ đã quay đi từ lúc nào. Tôi nghe thấy văng vẳng ở bên tai: Thầy Tư không hiểu hết câu chuyện này đâu. Thầy không nên dính vào làm gì…vô ích…Việc đâu, rồi có đó…Trần Hữu Lăng là Tôkubê… Không có cách gì che đậy được nữa. Bây giờ tôi chắc chắn có thể nói với thầy như thế”.

Thế rồi đến ngày tôi tổ chức lễ tân gia: ăn uống từ chiều đến khuya đứng dậy ra về, ông Tôkubê gục xuống ở trước cửa nhà tôi, cấm khẩu liền, chưa chở được đến nhà thương thì chết, không trăn trối được câu gì cả.
Chương Mười Ba

Thấy ông Ômya nhổm lên, ra vẻ định hỏi gì, tôi giơ tay bảo ông ngồi yên để cho tôi nói tiếp:

- Buổi tân gia hôm đó có cả thảy mười sáu mười bảy người ăn, chớ không phải chỉ có ông Tôkubê và tôi, như ông sắp hỏi đâu.

Làm theo đúng lời tôi dạy, ông Yên đặt hai thợ nấu ăn tại một nhà hàng lớn ở đường Trần Hưng Ðạo.

Từ mười hai giờ trưa, họ chở một xe đồ nghề, soong chảo và lò dầu lửa cùng với hai mâm thịt thà đồ nấu đã cắt thái sẵn sàng; đến nơi chỉ việc nhóm lò lên thổi nấu. Trong lúc họ bắt đầu chia ra, người thì bày bàn, cắm bóng, người thì rửa rau, vo gạo, ông Yên đặt bàn thờ tiền chủ lên cái xích đông đóng sẵn ở gian trong nhà dưới, còn bàn thờ thổ địa thì để ở ngoài hàng hiên trông ra cửa rồi bày trái cây, rót rượu, đốt nhang đèn lên sáng chưng nhà.

Thay quần áo tử tế, tôi ra lễ, lầm nhẫm cầu khấn hồi lâu. Mọi việc xếp đặt chu đáo rồi, tôi ra xem lại một lần nữa hai bàn tiệc thì thấy mọi việc đều vừa ý: tất cả có mười sáu người ăn hôm ấy, thêm tôi nữa là mười bảy, ai ngồi cạnh ai, nhất nhất có ghi vào một mảnh giấy cắm ở trên bàn.

Mười sáu người khách ăn nấy đều là chỗ tôi quen biết thân mật cả.

Ông Tôkubê ngồi ở bên mặt tôi, bên trái là ông bạn có tuổi quen tôi ba chục năm nay, anh em vẫn quen gọi là ông Ba Sang, trước đây cũng ở vùng Chợ Quán nhưng vì từ ngày có cuộc đảo chánh nhà cửa bị cháy cơ nghiệp tan tành nên bỏ đô thành lên Ban Mê Thuộc làm đồn điền cà phê với con rể và con gái, ít khi về Sài Gòn chơi. Lần này nhân có việc nhà cửa đất cát và sang tên bằng khoán cho người mua, ông về đây một tuần. Thừa dịp, ông đi thăm vài bạn cũ vì nghĩ rằng có lẽ không còn dịp nào về nữa phần thì lười nhác không muốn xê dịch lôi thôi, phần thì vì tuổi đã cao rồi – ông đã bảy mươi tư tuổi – đi máy bay mệt quá mà sợ xảy ra chuyện rủi ro thì phiền phức cho con cháu.

Khách ngồi vào bàn khoảng năm giờ chiều.

Hôm ấy trời lại có gió y như gió heo may cữ vào thu ở Bắc nên ai uống rượu cũng thấy ngon. Mười bảy người vô tất cả ba lít đế và bốn năm chai Uýtki, mạc-ten gì đó, tôi cũng không nhớ nữa, nhưng không có một người nào say - kể cả ông Tôkubê nữa.

Ðến khi dùng đồ nước, hầu hết đều khen nhà hàng nấu các món ăn khéo lắm. Mười một giờ hơn, một số khảng tảng ra về - trong số đó có ông Ba Sang, ông Bảy Bích, bà Liên Phát làm xuất nhập cảng ở đường Hàm Nghi. Mười hai giờ, chỉ còn có hai người ở lại là Lăng và giáo sư toán Lê Hồng Tài. Khác hẳn mấy ngày trước đây, ông Trần Hữu Lăng mau mồm mau miệng hơn ngày thường.

Ông nói là ông ăn một bữa cơm vừa bụng lắm, ông không uống cà phê vì sợ mất ngủ và có lẽ vài hôm nữa thì đi ra miền Trung mấy ngày.

Không. Ông Lăng mạnh lắm, không có một mảy may gì tỏ ra bệnh hoạn. Ông cũng không hề đụng chạm một câu nào đến cái đêm ông đánh hai cái bóng ma ở nhà tôi. Có nhiều phần chắc chắn là ông đã bỏ qua chuyện đó, không lưu ý tới nữa.

Nhìn đồng hồ tay thấy đúng mười hai giờ rưỡi, ông đứng lên chào tôi kiếu về. Tôi giữ ông lại nghỉ, sợ rằng say rượu ra ngoài đường gió máy nhỡ xảy ra chuyện gì không hay, ông cười và bảo tôi:

- Ông lầm rồi. Hôm nay, tôi uống thật nhiều thật, nhưng không say chút nào. Ðây này, tôi đi có loạng choạng đâu.

Quả vậy, ông đi rất vững. Chính tôi, cũng lấy làm lạ sao hôm nay ông uống hay như thế. Thường thường, vào những ngày khác, uống như thế thì ông nói nhừ nhừ và đi chuệch chà chuệch choạng. Tuy nhiên, tôi không lấy thế làm lạ chút nào: ai đã uống rượu đều nhận thấy có những hôm ta uống rất nhiều mà chẳng làm sao hết, nhưng có những hôm khác chỉ làm mươi tợp thì đã say rồi, có khi không cất chân lên nổi và ngã ngay nơi bàn tiệc.

Xuống hết thang gác, ông còn đứng lại nói với tôi một giây lâu về công việc. Ông cười khá to, đi ra cửa, theo sau là giáo sư Tài cùng về một đường với ông.

Lúc ấy là mười hai giờ ba mươi lăm phút.

Tôi vừa quay lưng lại sắp bước lên thang gác thì thấy ông Yên thét lên một tiếng dữ dội trong đêm vắng. Giáo sư Tài, đi lui thủi ở đàng trước, cách đó chừng năm bước, quay trở lại xem có chuyện gì thì tôi cũng vừa chạy ra đến cửa.

Ông Trần Hữu Lăng nằm co quắp ở thềm nhà tôi như một đống giẻ rách, mồm há ra như thể muốn kêu mà kêu không được, một chân duỗi ra, một chân co lại, trong cực kỳ thê thảm.

Giáo sư Tài, ông Yên và tôi nâng ông dậy đem vào trong nhà. Người ông lạnh toát. Ông Yên giựt gió, lấy dầu thoa khắp mình mẩy ông Lăng, còn giáo sư Tài thì chạy vội kêu một cái tắc xi đưa vào nhà thương gần đó. Tôi nói với ông Yên:

“- Ông Lăng bị gió độc đấy. Thế lúc ông ấy té, ông có nhìn thấy không?”

“- Tôi nhìn thấy rõ từ đầu đến cuối. Ðúng là ông Lăng chưa bước chân ra khỏi nhà mình, một chân ông còn để ở trong, một chân đương bước qua cái thềm. Lạ không kể đâu cho hết, ông chủ à. Tôi tưởng là tôi mê, nhưng không, không phải là tôi mê đâu. Nhứt định là tôi tỉnh. Mắt tôi nhìn thấy rõ ràng mà”.

“- Nhìn thấy cái gì? Ủa, sao ông nói mà tay run lên bần bật thế?”

“- Vâng, tôi nhìn thấy rõ ràng. Ai nhìn thấy như tôi lúc bấy giờ mà không sợ? Ngay bây giờ tôi còn sợ muốn chết đây này”.

Ðể cho ông Yên thở một giây tôi hỏi:

“- Ông nhìn thấy gì mà sợ vậy? Chắc là thần hồn nát thần tính chớ gì?”

“- Ông chủ muốn nói thế nào thì nói, nhưng nhất định tôi trông thấy đúng in như thế. Ông Lăng còn đương chân trong chân ngoài, chưa ra hẳn thì tự nhiên tôi thấy có một cái gì bốc mù lên ở ngay trên đỉnh đầu ông ta rồi hình như trên trời, trên gác sân hay từ đâu không rõ, có hàng trăm cái roi quất vào mặt ông ta cho đến lúc ông ta ngã sõng soài trên mặt đất”.

Tôi nghĩ thầm: “Ðúng. Lúc khiêng ông Lăng vào trong nhà, mình cũng nhìn thấy còn hằn rất nhiều vết bầm tím trên mặt thật, nhưng không nói ra vì cứ tưởng lá hoa mắt”. Tuy nhiên, tôi cũng làm ra vẻ không tin, nói chọc ông Yên:

“- Ông nói cái gì kì quặc. Roi ở đâu? Mà ai quất. Tại làm sao lai quất ông ta?”

Tức quá, ông Yên trả lời tôi một câu thiếu bình thường:

“- Ông chủ hỏi thế thì ông cố nội tôi cũng không thể trả lời ông được. Tôi trông thấy thế nào thì trình lại đúng thế chớ hỏi tại sao, tôi chịu. Nhưng nói cho đúng y hịch cái lòng tôi nghĩ lúc đó và ngay cả bây giờ nữa, tôi cho là ma, ông ạ. Ma thật”.

Tôi không nói thêm gì nữa, khóa cửa cùng với ông Yên đi vào nhà thương. Giáo sư Tài đứng đợi tôi ở cửa, cho biết là chở ông Lăng gần đến nhà thương thì ông ta hết thở. Ðã đưa vào nhà xác rồi. Sáng mai bác sĩ mới khám nghiệm và cho chôn.

Cả đêm hôm ấy chúng tôi không ngủ được. Giáo sư Tài và tôi bàn tán cho đến sáng bạch về cái chết của ông Trần Hữu Lăng. Trưa hôm sau, bao nhiêu bè bạn xa gần đều biết hung tin đó. Lại một loạt bàn tán nữa: đa số cho là ông trúng gió, một vài người quả quyết ông đứt gân máu, lại có một vài người ngờ rằng ông bị tắc tim, máu không lưu thông được nên chết mau lẹ lắm.

Riêng bác sĩ phụ trách khám nghiệm tử thi tuyệt nhiên không cho biết là ông Lăng chết vì chứng bịnh gì. Ða số bác sĩ vẫn thường có cái tính thâm trầm như thế: biết là người xấu số chết vì bịnh gì rõ ràng rành mạch, nhưng nhất định không chịu tiết lộ cho ai biết, tưởng như nói ra thì người ta biết hết bí mật của nghề y vậy.

Ông Lăng chết rồi, nhưng biết làm sao bây giờ? Vì trước sau ông không hề cho bất cứ ai biết gia đình ông ở tỉnh nào, quận nào ở miền Trung và vợ con ông tên là chi, làm ăn buôn bán gì, nên chúng tôi không có cách nào báo cho biết để họ về đây lo liệu công việc ma chay chôn cất. Cuối cùng, chúng tôi phải góp sức nhau lại lo việc chôn cất ông ta, nhất là giấy tờ, hòm ván, khâm liệm, xin đất xin cát, đưa ra đồng, các bè bạn đều chia nhau ra làm cả, không có một điều đáng tiếc.

Tôi nhớ rõ lúc khâm liệm ở nhà xác, về phía chúng tôi có bốn người trông nom chứng kiến – trong số đó có tôi.

Ông Ômya, ông có biết tôi đã thấy gì không? Ðến cái lạ này, tôi cam đoan với ông rằng ông không thể nào tưởng tượng được.

Xin nhớ rằng lúc ông Lăng vừa té xuống, chính tôi đã khiêng ông vào trong nhà; đến lúc kêu được tắc xi chính tôi đã vực ông lên xe; nghĩa là tôi đã nhìn đã nhìn mặt mũi ông, tay chân ông kĩ lắm.
Vậy mà không hiểu tại sao lúc chứng kiến khâm liệm ông Lăng thì tôi lại thấy toàn thân ông, từ mặt đến chân, nổi lên không biết bao nhiêu vết bầm đen, có nốt ri rỉ máu đã đông lại, có nốt như bị mũi dao cứa da lủng thịt.

Không một người nào hiểu tại sao. Tôi đã thấy những người đứt gân máu, gặp thầy thuốc gà mờ chích thuốc không đúng, làm cho da thịt người bịnh nổi lên những vết tròn tròn, tim tím hay đo đỏ. Tôi lại cũng thấy có những người hoặc uống một chất thuốc gì độc quá hoặc ăn nhung bổ quá, nứt thịt ra rồi từ những vệt nứt đó rỉ ra một thứ nước vàng sanh sánh, có khi lờ mờ máu cá.

Nhưng đến cái xác của ông Lăng thì lạ không thể quan niệm được: những cái vệt trẩy ở trên da thịt ông đúng là vệt dao cắt – không, không phải thế, đúng là vết cứa, vệt đâm của những miễng sành, miểng sứ “ Thế là nghĩa làm sao? Chịu. Không thể nào hiểu nổi.”.

Khâm liệm xong rồi, tôi đem sự kiện đó ra hỏi bác sĩ. Ông đưa ra một loạt chữ la-tinh, nói về máu, về thần kinh, về tuyến để giải thích cho tôi nghe, nhưng rút lại tôi không hiểu gì hơn.

Tôi sẽ còn suy nghĩ và tự đặt nhiều ức huyết. Nhưng thâm tâm thì tôi thấy có một cái gì rờn rờn ở trong đầu; tôi cảm thấy một cách không rõ rệt rằng đây không phải là một chứng bệnh, một trạng thái nào của cái chết, mà là một cài gì huyền bí lắm có liên quan đến cái bóng ma Mệ Hoát và Phương Thảo.

Nhưng liên quan thế nào?

“Tại sao hai cái bóng đàn bà yếu ớt ấy, mà chỉ là cái bóng hư hư thực thực, tại sao hai cái bóng đàn bà yếu ớt đó đó lại có thể lấy cái gì quất vào đầu cổ mặt mũi ông Lăng cho đến chết?”.

Ðến hôm đưa đám, vẫn không có một người bà con nào thân thích của ông Lăng đi dự - trừ những anh em quen thuộc mà chúng tôi đã biết.

Khoảng một tháng sau, tất cả bạn hữu đều quên ông, trừ tôi ra. Không phải vì tôi thương nhớ ông hơn các bạn bè khác nhớ thương ông, nhưng bởi vì tôi có muốn quên đi cũng không thể được vì còn hai cái bóng trắng hiện lên trong nhà.



- MỤC KHÁC
giới tính l Phần mềm l Xem bói l girl xinh vn l Game Hot l girl xinh l GIẢI TRÍ l Trà sữa l mẹo vặt l thủ thuật l sms l Cẩm nang l nhạc chuông l Đọc Truyện
Hosting By Xtgem.com
U-ON bonba9x