Pair of Vintage Old School Fru
blogqn.wap.sh - Trang tải game, phần mềm ứng dụng và giải trí miễn phí!
BonBa9x.Wap.Sh
Thế Giới Giải Trí Cho Mobile
Cho Bạn Và Cho Tôi
Truyện thiếu nhi
Nghe anh nói tôi giật mình. Phải. Bà Bảo-Liên có thể chết được. Mặc dầu bà chưa già lắm, nhưng tôi đã kinh nghiệm rằng người ta hay mất những người thân yêu. Tôi chả mất ông Vỹ-Tiên là gì! Tại sao trước kia tôi không nghĩ thế nhỉ?
Tôi hỏi Mã-Tư:
- Tại sao anh lại không bảo tôi sớm?
- Vì khi tôi sung sướng, tôi chỉ có những ý tưởng vui trong óc xuẩn của tôi; đến lúc tôi khổ, thì tôi lại có toàn những ý tưởng buồn. Vì thế khi tôi nghĩ đến việc biếu bà Bảo-Liên con bò, tôi như trông thấy bà sung sướng, nên tôi cũng sung sướng, say đắm và không biết gì.
- Anh Mã-Tư ơi! Óc anh không xuẩn hơn óc tôi, vì tôi cũng nghĩ như anh và cũng như anh, tôi sung sướng, say đắm và không biết gì.
Mã-Tư vẫn khóc và nói:
- Ôi! Con bò của ông Hoàng!

 

Thình lình anh đứng dậy, giơ tay nói:
- Nếu bà Bảo-Liên mất rồi! Nếu lão Bảo-Liên độc ác còn sống! Nếu lão chiếm lấy bò của ta! Nếu lão bắt cả anh nữa thì làm thế nào! Anh ơi!
Sở dĩ chúng tôi có những ý tưởng bi quan ấy là do ảnh hưởng của nhà giam sinh ra, ảnh hưởng của những tiếng gào thét của dân chúng, ảnh hưởng của Hiến binh, của những tiếng khóa sắt, then sắt nghiến kèn kẹt khi người ta nhốt chúng tôi.
Mã-Tư không những nghĩ cho chúng tôi, anh nghĩ cả đến con bò nữa.
- Ai cho nó ăn? Ai vắt sữa cho nó?
Chúng tôi ngồi lo nghĩ như thế rất lâu. Thời giờ càng đi, chúng tôi càng chán nản.
Tuy nhiên, tôi cố làm cho Mã-Tư vững lòng, cắt nghĩa cho anh biết người ta sắp thẩm vấn chúng tôi.
- Vậy chúng ta sẽ trả lời thế nào?
- Cứ thực mà khai.

Nếu thế, người ta sẽ giao anh cho lão Bảo-Liên. Hoặc bà Bảo-Liên ở nhà một mình, người ta cũng sẽ hỏi bà để biết thực hư; như vậy, chúng ta sẽ mất cái thú làm cho ngạc nhiên.
Sau cùng, cửa ngục mở ra với những tiếng kèn kẹt ghê người, một ông già tóc bạc vẻ nhân từ bước vào, phong độ hòa nhã của ông làm cho chúng tôi hy vọng.
Cai ngục nói:
- Này! Nhãi con! Ông Thẩm-Phán trị an đã đến. Đứng dậy để khai đi!
Ông Thẩm-Phán ra hiệu cho Cai ngục để mặc ông và nói:
- Được lắm! Được lắm!
Rồi ông chỉ vào tôi mà nói:
- Ta hỏi em này trước. Thầy Cai hãy đưa em kia ra một chỗ, lát nữa sẽ hỏi đến.
Tôi nghĩ trường hợp thế này thì phải báo cho Mã-Tư biết cách trả lời.

Tôi nói luôn:
- Thưa ông Thẩm-Phán, cũng như tôi, anh bạn tôi sẽ xin trình bày sự thực, tất cả sự thực.
Ông Thẩm-Phán nói ngay như để ngắt lời tôi:
- Được lắm! Được lắm!
Mã-Tư ra nhưng đủ thì giờ đưa mắt cho tôi biết là anh đã hiểu.
Ông Thẩm-Phán nhìn thẳng vào mặt tôi mà hỏi:
- Người ta đã thưa em về tội ăn trộm bò.
Tôi đáp:
- Thưa ông Thẩm-Phán, chúng tôi đã mua con bò cái ấy ở chợ Ích-Sơn, có ông Thú-Y ở đấy chứng kiến.
- Việc này sẽ điều tra.

- Tôi rất mong ông điều tra cho, vì sự điều tra đó sẽ chứng minh chúng tôi vô tội.
- Em mua con bò đó để làm gì?
- Để đưa về làng Văn-Ông biếu bà mẹ nuôi tôi, để tỏ lòng biết ơn bà và cũng để nhớ lại những ngày thơ ấu của tôi ở bên cạnh bà.
- Tên bà ta là gì?
- Bà Bảo-Liên.
- Có phải vợ một ông thợ nề, mấy năm trước đây làm ở Ba-Lê bị ngã què chân?
- Thưa ông Thẩm-Phán, vâng.
- Việc này cũng sẽ điều tra.
Về câu này tôi không trả lời như câu trước nói về ông Thú-Y.
Thấy tôi lúng túng, ông Thẩm-Phán giục giã, tôi phải nói thật rằng:
- Nếu Tòa hỏi bà Bảo-Liên, chúng tôi mất hẳn cái thú làm bà ngạc nhiên khi chúng tôi về với bò.

Tuy nhiên, trong sự bối rối của tôi, tôi có một niềm vui thích vì ông Thẩm-Phán biết bà Bảo-Liên và muốn hỏi bà để rõ thực hư, tức là bà còn sống.
Tôi lại có một điều mừng hơn nữa, là trong cuộc thẩm vấn đó, ông Thẩm-Phán cho tôi biết mới rồi ông Bảo-Liên đã trở về Ba-Lê.
Hai điều này làm cho tôi phấn khởi, tôi trả lời rắn rỏi khiến ông Thẩm-Phán phải tin rằng lời cung khai của ông Thú-Y Ích-Sơn đủ tỏ là chúng tôi không phải là những kẻ ăn trộm bò.
- Thế tiền mua con bò ấy, em lấy đâu ra?
Đó là một điểm mà Mã-Tư sợ nhất và đoán rằng thế nào cũng bị hỏi đến.
- Bằng cách gì? Ở đâu?
Tôi liền cắt nghĩa cho ông Thẩm-Phán biết từ Ba-Lê đến Văn-Xá và từ Văn-Xá đến Mông-Đô, chúng tôi đã diễn trò kiếm được và ky-cóp từng xu.
- Em làm gì ở Văn-Xá?

Câu hỏi này làm cho tôi kể lại nạn lụt, khi ông Thẩm-Phán nghe đến chỗ tôi bị chôn sống dưới hầm mỏ Thụy-Khê, ông bảo tôi ngừng lại.
Rồi bằng một giọng ôn tồn và gần như thân ái, ông hỏi:
- Trong hai người, em nào là Lê-Minh?
- Thưa ông Thẩm-Phán, tôi.
- Có gì làm bằng chứng? Hiến binh nói em không có giấy tờ gì cả.
- Thưa ông Thẩm-Phán, không.
- Vậy, em hãy kể nạn lụt ở Văn-Xá xảy ra thế nào. Ta đã đọc tường thuật trên các báo. Nếu em không phải là Lê-Minh thật thì em không đánh lừa ta được. Ta chú ý nghe đây. Phải cẩn thận.
Giọng nói vui vẻ của ông làm tôi thêm can đảm, tôi nhận thấy ông không phải là người khắc nghiệt.

Khi tôi kể xong chuyện, ông nhìn tôi bằng đôi mắt cảm thương. Tôi tưởng ông sắp tha chúng tôi, nhưng không. Ông không nói gì cả. Ông để tôi ngồi đấy. Có lẽ ông đi hỏi Mã-Tư xem hai lời khai của chúng tôi có phù hợp với nhau không.
Tôi ngồi nghĩ ngợi khá lâu. Chợt ông trở lại với Mã-Tư.
Ông nói:
- Bây giờ ta cho người đi lấy tin tức ở Ích-Sơn. Nếu đúng như chuyện các em vừa kể, ta mong thế, sáng mai ta sẽ cho các em ra.
Mã-Tư hỏi:
- Và con bò?
- Người ta sẽ trả bò cho các em.
Mã-Tư nói tiếp:
- Thưa ông Thẩm-Phán, không phải thế. Tôi muốn nói: “Ai cho bò chúng tôi ăn? Ai vắt sữa cho nó?”
- Ranh con, cứ yên tâm.

Mã-Tư yên tâm, mỉm cười và bảo tôi:
- Nếu người ta vắt sữa bò cho chúng ta, không biết người ta có cho chúng ta hưởng không? Nếu được sữa dùng bữa tối thì tốt quá!
Khi ông Thẩm-Phán đã đi xa rồi, tôi báo cho Mã-Tư biết hai tin mừng đã làm tôi quên cái khổ ở nhà giam: bà Bảo-Liên còn sống và ông Bảo-Liên hiện ở Ba-Lê.
Anh nói:
- Con bò của ông Hoàng sẽ ngang nhiên về làng.
Anh thích quá nhảy và hát, tôi cũng sung sướng cầm lấy tay anh, con Lãnh-Nhi buồn nằm ở góc nhà cũng chạy ra, len vào giữa tôi và Mã-Tư, đứng bằng hai chân sau, chúng tôi cùng nhau khiêu vũ rộn rịp. Người Cai ngục hoảng hốt – có lẽ vì đống hành – vào xem có phải chúng tôi “khởi loạn” không?
Ông ta bắt chúng tôi ngồi im. Lời nói của ông ta xem chừng đã bớt dữ tợn, không như lúc ông ta cùng vào với ông Thẩm-Phán.

Do đó, chúng tôi hiểu hiện tình của chúng tôi không đáng ngại lắm. Quả nhiên, chúng tôi có một chứng cớ cụ thể là có người mang vào cho chúng tôi một liễn đầy sữa – sữa của bò chúng tôi. Nhưng chưa hết, lại còn đèo thêm một tấm bánh mì trắng và miếng thịt bê ướp. Người hầu nói đó là những thức ăn của ông Thẩm-Phán gửi cho chúng tôi. Không bao giờ những phạm nhân lại được ưu đãi như thế.
Vì thế, khi ăn bánh và uống sữa, tôi lại có một quan niệm mới về nhà lao. Thực vậy, nhà lao không đến nỗi xấu như óc tôi tưởng tượng mấy lần trước. Đó cũng là ý kiến của Mã-Tư nữa vì anh cười và nói to:
- May quá! Có chỗ ăn, chỗ ngủ đàng hoàng mà lại không phải trả tiền!
Tôi muốn dọa anh một chút. Tôi nói:
- Này! Anh Mã-Tư! Nếu ông Thú-Y chết bất thình lình thì ai là người làm chứng cho chúng ta?
Anh không tức giận, trả lời:
- Người ta chỉ có những ý tưởng đen tối đó lúc người ta khổ. Nhưng bây giờ không phải là lúc đó.

 





- MỤC KHÁC
giới tính l Phần mềm l Xem bói l girl xinh vn l Game Hot l girl xinh l GIẢI TRÍ l Trà sữa l mẹo vặt l thủ thuật l sms l Cẩm nang l nhạc chuông l Đọc Truyện
Hosting By Xtgem.com
U-ON bonba9x