80s toys - Atari. I still have
blogqn.wap.sh - Trang tải game, phần mềm ứng dụng và giải trí miễn phí!
BonBa9x.Wap.Sh
Thế Giới Giải Trí Cho Mobile
Cho Bạn Và Cho Tôi
Truyện tâm linh

AM CU-LY XE

Mới nghe qua tên am, tôi đã tưởng họ nói đùa. Nhưng không, người kể cho tôi nghe nói với một giọng nghiêm chỉnh lắm.

Cái am ấy nhỏ, được xây bằng chất vôi, nằm trên bờ sông Bồ thuộc về làng Thanh Trúc. Trong am chỉ đặt một bát lư hương và cặp đòn con bằng gỗ tiện. Trước cửa am có che một bức sáo xanh kẻ chữ thọ màu hồng. Cách am năm bước có cái mồ đắp lên khá cao. Ngôi mả của người cu-ly xe.

Chuyện về cái am này ở hai vùng Thanh Lương và Hương Cần ai cũng biết. Hễ có dịp đi qua vùng này ghé vào quán gần bên am thì quý vị sẽ nghe bà quán kể lại. Bà quán kể riết rồi thành có duyên và có nhiều đoạn bà ta nói như đọc thuộc lòng. 

Từ ga Văn Xá đến bến đò làng Thanh đi khoảng trên hai cây số. Bên kia sông là huyện Quảng Ðiền. Bến đò ấy nằm vào một chỗ hoang vắng vì bên cạnh con sông là cái cồn mồ. Ở đó qua huyện Quảng Ðiền gần hơn là quay trở về làng Thanh. Dẫn khách đến ga là nhờ con đường chạy dài trong thôn xóm, qua vài cái cầu ngắn xây bằng gạch và ba bốn khoảng phơi mình giữa đồng cỏ cháy. Con đường ấy được nhiều người đi nhất.

Bến Ga Xe Lửa Văn Xá làm lễ lạc khai mạc xong thì sau đó hai tuần một người mù đem chiếc xe tay đến đón khách. Ðó là một cái xe kéo trong thật là thê thảm với hai chiếc bánh xe độn bằng rơm và trần xe bị rách thủng nhiều chỗ.

Khổ hơn nữa là người kéo xe đã mù lại già, đầu tóc bạc phơ, người hơi gầy và trán hói. Ông ta biết được đường xá nhờ đứa cháu nội lên mười chạy dìu theo phía trước. Cứ ngày bốn buổi hai ông cháu lên ga Văn Xá đón khách về huyện Quảng Ðiền. Ðời tuy vất vả nhưng có kẻ thương tình đi xe ông kéo nên cũng đủ sống qua ngày. Lệ thường cứ mỗi chuyến xe được năm xu. Hai ông cháu ngày nào cũng kiếm được một vài hào đủ tiêu dùng và cơm cháo.

Từ ngày có xe lửa, dân mấy vùng quê, ai cũng thèm đi. Họ đi chỉ để mua vui mà thôi. Vì họ thấy chiếc xe sắt này kỳ lạ mà lại chạy nhanh nữa nên họ thích lắm. Họ thích nhất là đứng trên tàu gọi tên mấy người quen đang đi trên đường cái quan. Nhiều khi họ mua vé từ sân ga này đến sân ga kia rồi từ sân ga kia trở về sân ga làng. Thời đó họ còn chưa biết đến sự tiện lợi của sự đi xe. Họ chỉ biết cái thú lên xe lửa để ngắm cảnh và nhìn người qua lại. Nhờ vậy mà ga Văn Xá ngày nào cũng tấp nập người ra kẻ vào. Và hai ông cháu người kéo xe kiếm được miếng ăn rất dễ. Người đi xe lửa khi ra khỏi ga họ muốn lên xe kéo ngay. Họ đã quen với sự nhanh chóng vì đi bộ đối với họ lúc đó là một chuyện phiền phức. Nhưng được một người kéo xe mạnh khỏe thì nói làm gì, đằng này bước chân lên xe người già mù, thì người khổ chưa hẳn là người kéo mà thật ra là người được ngồi. Huống chi đây lại phải chịu cái tội trông một đứa trẻ chạy không kịp thở, ngã tới vờn lui, theo bước chân của một ông già yếu đuối. Nên nhiều người thương hại không muốn đi xe ông kéo.

Nhưng lòng nhân ái càng ban truyền ra thì người mù kéo xe lại càng thêm túng thiếu. Rồi sau này chỉ còn những người ốm hay già yếu, và thỉnh thoảng vài người say rượu, mới bước lên xe ông. Có người thương hại nên chỉ gởi vài bao hành lý để ông kéo rồi trả cho ông vài xu. Nhưng hạng người này hiếm lắm, đợi năm sáu chuyến tàu mới gặp được một người.

Khi màn đêm buông xuống hai ông cháu thường về ngủ trong một cái mui thuyền đặt bên cạnh bờ sông. Sáng sớm ba giờ đã phải dậy, vì phải đợi khách bên huyện Quảng qua sông đi chuyến tàu bốn giờ. Tiền bạc thu được đều do người cháu giữ, và ông cũng ít khi nào hỏi đến, trừ những lúc ông muốn mua một vài cút rượu trắng hay khi nhớ đến những ngày giỗ của gia hương. Ngoài ra, người cháu tuy trẻ tuổi nhưng rất khôn lanh, đã lo liệu đủ điều từ miếng ăn đến cái mặc. 

Mùa đông năm Ngọ lạnh và mưa luôn ngày luôn đêm. Con đường từ ga về bến đò đã nhiều nơi bị hê hũng, và nhiều cái cống đất nhỏ bị nước cuốn trôi đi. Hai ông cháu phải bỏ công sức ra làm lại, có thế xe mới đi qua được. Con đường tuy là của chung nhưng chỉ riêng hai ông cháu để ý và lo lắng hơn cả. Xe dạo ấy ế ẩm vô cùng, vã lại gặp cái xe trần thủng, nước tát vào như giội, khách cũng tháy chán không buồn đi. Ðêm nào lên ga đợi chuyến tàu suốt chín giờ, hai ông cháu cũng dẫn xe về không.

Chất chồng vào cái hại kể trên, chuyến đò làng Thanh không qua lại nữa, vì hai làng Thanh Lương và Thanh Trúc đang kiện nhau để được độc quyền về nghề chở khách. Dân quanh vùng phải đi ngược lên khá xa mới qua bến đò làng Triệu. Phía ấy cũng cũng có đường đi lên ga nhưng hẹp lắm. Hai ông cháu đành đưa người đi lại quanh vùng Thanh Trúc và chờ nhà nước xử xong, để chở thêm khách bên huyện Quảng Ðiền.

Một đêm trung tuần tháng chạp, chuyến xe lửa chạy liên tục lại trễ mất ba giờ. Lúc ấy vào giữa đêm, nghe tàu đến hai ông cháu đã mừng thầm trong bụng. Một lát sau, con tàu đã bắt đầu sục sịch chạy, ông kéo xe vẫn chưa nghe thấy có tiếng bước chân nào ra khỏi ga. Ông lên tiếng gọi thằng cháu nhưng thằng bé đã lẫn đi ngã nào. Ông nghĩ rằng có lẽ nó đang đứng đón khách ở bên trong sân ga nên định bụng chờ. Mấy phút sau đứa bé trở về, ông già mù thấy hình như có một người bước lên xe. Ðứa bé nói với một giọng run run:

- Ông ơi có người lên rồi đó. Chạy đi.

Thế rồi hai ông cháu dìu nhau chạy về phía sông Bồ qua những quãng đường lầy lội và dưới dòng mưa đêm lạnh ngắt. Trong những cánh đồng ngập nước, tiếng ễnh ương đua nhau kêu não nùng như một bản nhạc mùa đông, nghe buồn thắm tới tận xương tủy. Hai ông cháu, dưới mấy cái mo cau và tàu lá chuối kết lại thay áo mưa, cắm đầu chạy trên quãng đường ướt át.

Trời thì tối đen như mực, nhưng may đứa cháu quen đường nên không bị lạc và vấp ngã. Hai ông cháu đến bến đò làng Thanh vào khoảng một giờ khuya. Gió ngoài sông thổi vào lạnh như cắt thịt. Ðứa cháu cầm tay định dắt ông vào mui thuyền, nơi ngủ của hai ông cháu, thì dường như nghi hoặc điều gì nên người mù kéo xe cất tiếng hỏi:

- Tiền xe mô đưa cho ông.

Ðây là câu hỏi bất ngờ, vì mấy lần trước có bao giờ ông hỏi đến tiền bạc đâu, nếu có hỏi thì hỏi chỉ để biết bao nhiêu, chứ chưa lúc nào ông lấy tiền giữ. Ðến lúc đó đứa cháu run lẩy bẩy, lúng túng, ngập ngừng rồi bỗng ôm mặt khóc. Chỉ nghĩ thoáng qua người mù kéo xe đã hiểu ra lẽ thật. Vì không có khách, vì muốn ông nó vui lòng nên thằng bé đã bê một tảng đá nặng đặt lên nệm xe và dìu ông nó chạy.

Trí non nớt của nó có ngờ đâu mấy năm lao công khổ nhọc trong nghề, ông nó đã phân biệt rất tinh tường người ngồi hay là vật nặng khác nhau nhiều lắm. Nhưng ông nó vẫn chạy, vì mù quáng, vì đói rách nên lòng vẫn hy vọng những chuyện không bao giờ có được. Và nếu biết được thì càng thêm khổ. Thấy cháu khóc ông ta cũng nức nở khóc theo.

Rồi giữa đêm lạnh phần già yếu, phần buồn đau, phần đói rét, ông gục xuống dần rồi lăn ra chết ngất. Ðứa bé sợ xanh mặt la hét lên nghe như đứt ruột bầm gan nhưng sấm sét của trời mạnh hơn và tiếng của nó đành chịu rã rời bay lạc giữa đêm mưa tầm tã.. Bên kia sông, huyện Quảng Ðiền xa xôi quá, vài ngọn đèn dầu chập chờn trong xóm quê đen tối. Con đò đã cắt đường qua lại từ lâu, không đem được lòng từ thiện của bến bên kia qua bao trùm nỗi thảm thương của bờ nọ.

Sáng hôm sau đi chợ Thanh Lương, khách qua đường thấy trên bờ sông vắng, một đứa trẻ đang ngồi khóc thảm thiết bên cạnh một người già nua đã chết cứng đờ.

Dân quanh xóm thương tình, người ít kẻ nhiều góp lại mua một cái hòm mới và chôn cất người kéo xe già tử tế...

Về sau cứ mỗi đêm, vào khoảng mười một giờ khuya , sau chuyến tàu đi ra Bắc một giờ, những người ở quanh vùng đó đều thấy một cái bóng xe kéo loang loáng chạy về phía làng Thanh Trúc. Những người làm giữa ruộng lúc vào đêm trăng sáng, các em mục đồng và cả sư cụ chùa Linh Hải đều thấy hình bóng một người kéo xe chạy lầm lũi trong màn đêm. Có một đêm khuya mưa lạnh, sư ông ở làng Thanh Trúc còn nghe được cả tiếng xe kéo và bước chân người chạy đều đều ở trước cổng đình làng nữa...

Mọi người quanh vùng bàn tán xôn xao về bóng ma kéo xe vào ban đêm. Cùng lúc ấy, không biết có phải nhờ hồn thiêng của ông mù kéo xe phù hộ mà làng Thanh Trúc được thắng kiện nên thuyền bè được đưa khách qua lại như cũ. Cũng nhân dịp này dân làng liền quyên tiền xây một cái am để tưởng nhớ và thờ cúng ông mù kéo xe. Và người ta đã gọi cái am này là AM CU-LY XE.

Thanh Tịnh

Bài Ký Một Giấc Mộng


Nhân Tông gặp loạn Nghi Dân. Ta mới lên ngôi, nghĩ đến việc trước mà luôn luôn phải phòng ngừa. Thường dàn sáu quân thân hành đi kiểm soát. Một hôm gặp mưa to, đóng lại trên bờ hồ Trúc Bạch ở mỏ phượng. Trong cơn mưa u ám, phảng phất có tiếng khóc than thảm thiết. Khi ta truyền mọi người lắng nghe thì không thấy gì, nhưng đến khi gió lớn mưa to thì lại nghe thấy tiếng như trước. Ta ngờ vực, rót chén rượu, hắt ra phía có tiếng khóc, khấn thầm rằng:

- Trẫm trên nhờ oai linh của tổ tông, dưới dựa vào bầy tôi giúp sức, sinh, sát, thưởng, phạt đều nắm trong tay. Ai uất ức, đau khổ, ta có thể giải đi được. Ai có công đức ngầm kín, ta có thể nêu lên được. Khấn với các thần ở địa pphương, nếu có u hồn nào còn uất ức thì bảo chúng cứ thực tâu bày. Cớ sao gió mưa thì nghe thấy tiếng, lờ mờ không rõ, như khóc như than, nửa ẩn, nửa hiện, trong tình u oán có ý thẹn thùng, làm cho ta sinh lòng nghi hoặc, muốn nêu lên không rõ công đâu mà nêu, muốn giải cho không biết oan đâu mà giải. Trẫm không nói lại lần nữa, bảo cho các thần biết.

Khấn xong, ta xem hoa cỏ phía ấy tựa hồ có ý cảm động, khiến ta cũng sinh lòng thương xót. Ta liền sắc cho các tướng truyền quân sĩ chỉnh tề hàng ngũ về cung.

Các tướng hộ giá đều phục đằng trước tâu rằng:

- Từ khi thánh thượng chính ngôi đến nay, dân chúng thảy đều thần phục, há đâu có sự bất ngờ. Nay trời rét như cắt, lại thêm mưa gió lạnh lùng, dù ơn vua rộng khắp, ba quân đều có lòng cắp bông báo ơn chúa (xưa có câu truyện: nước Sở đánh nước Tiêu, trời rét, vua Sở đi khắp ba quân phủ dụ khuyến khích, quân sĩ đều thấy hăng hái, trong mình ấp áp như cắp bông vậy), nhưng đội mưa ra về, dân chúng sẽ nghi là có việc khẩn cấp. Cúi xin đóng tạm ở hành tại, đợi khi mưa tạnh trời quang, truyền mở cửa Tây, chỉ trăm bước là về tới chính cung thôi.

Ta ngượng theo ý chư tướng, hạ lệnh ngủ qua đêm ở đó. Ðêm khuya mộng thấy hai người con gái rất đẹp đội một phong thư, phục xuống trước mặt tâu rằng:

- Chị em thiếp trước thờ vua Lý Cao Tông, rất được nhà vua quý mến. Không may phận rủi thời suy, bị kẻ gian là Trần Lục bắt trộm, đem đi trốn, định bán chị em thiếp cho người ta bằng một giá đắt, nhưng bị người láng giềng trông thấy, nó sợ tội nặng, nên đem chị em thiếp giam ở địa phương này. Tới nay đã hơn hai trăm năm. May nhà vua đi tuần qua đi, có lòng thương xót mọi người, nên chị em thiếp đều liều chết dâng thư, mong đội đức thánh minh soi xét cho. Chị em thiếp nghĩ lúc này chính là lúc được ra ngoài hang tối, thấy bóng mặt trời.

Hai cô nói xong, rồi đặt thư lên án, vừa khóc vừa lạy mà lui ra.

Ta tỉnh giấc, trông lên án, quả có một phong thư. Trong lòng nghi hoặc, vội mở ra xem thì thấy một tờ giấy trắng ngang dọc đều độ một thước, trên có bảy mươi mốt chữ, lối chữ ngoằn ngoèo như hình giun dế, không thể hiểu được. Dước cũng có hai bài thơ:

Bài thứ nhất rằng:

Cổ nguyệt lạc hàn thủy,

Ðiền ôi vị bán âm.

Dạ dạ quân kim trọng,

Thê thê thiên lý lâm.

Tạm dịch là:

Mặt trăng xưa, rơi xuống nước lạnh,

Góc ruộng vì thế mà tối mất một nửa.

Ðêm đêm cân vàng nặng,

Ðau xót lòng ngàn dặm.

Bài thứ hai:

Xuất tự ba sơn sự nhị vương,

Tị lân đầu thượng lưỡng tương phương

Hậu lai giá đắc kim đồng tử,

Không đới đào chi vĩnh tự thương.

Tạm dịch là:

Ra tự núi Ba Sơn thờ hai vua,

Trên đầu liền xóm hai người sánh đôi.

Ðến sau gả cho chàng kim đồng,

Uổng công đội cành đào, cảm thấy đau xót mãi.

Ta nghĩ đi nghĩ lại hai ba lần, nhưng vẫn chưa hiểu ý. Sáng hôm sau ta vào triều, vời học thần nội các đến, thuật rõ việc ấy và đưa hai bài thơ cho mọi người xem để giải nghĩa.

Các họa sĩ đều nói:

- Lời nói của quỷ thần rất huyền bí, không thể giải đoán ngay được. Xin bệ hạ cho phép chúng tôi nghĩ kỹ xem thế nào rồi sẽ xin tâu lại.

Trải qua ba năm, không ai biết hai bài thơ ý nói gì.

Một hôm ta ngủ trưa, mộng thấy người Tiên thổi địch gặp ở hồ Tây khi trước. Ta mừng lắm, mời gã cùng ngồi, cầm tay nói chuyện vui vẻ. Trong mộng lại nhớ đến hai bài thơ kia, đem ra hỏi:

Tiên thổi địch nói:

- Tiên triết ta có câu: “Không thể biết được mới gọi là thần”. Ðem lòng trần dò lòng thần, dò thế nào được? Vậy nên ba năm nay muốn thân oan cho người mà vẫn chưa được.

Tiên thổi địch mới giải nghĩa rằng:

- Hai người con gái ấy là yêu thần của chuông vàng và đàn tỳ bà đó. Khi xưa Lý Cao Tông chế nhạc, đặt tên chuông là Kim Chung, trên đàn là Ngọc tỳ bà. Là chuông, mà có tiếng tơ trúc, là tơ, mà có âm hưởng của kim thạch, cho nên mỗi lần được tấy ở ngự tiền, vẫn được ban thưởng. Nhà vua rất quý, đem cất vào nhạc phủ cẩn thận. Ðến đời Huệ Tông, trễ nải chính trị, ruồng bỏ nhạc công, hàng ngày say sưa hát hỏng, múa giáo tự xưng là tướng nhà trời, ủy cả chính quyền cho nhà Trần. Lúc ấy, một người tôn thất nhà Trần, tên là Lục, thừa cơ lấy trọm hai nhạc cụ ấy. Không ngờ nhạc công là Nguyễn Trực trông thấy, toan đem phát giác. Lục sợ mắc tội, liền đem chôn tại bờ hồ Trúc Bạch, bên trên trồng một cây anh đào cho mất dấu tích đi. Khí vàng và ngọc lâu này thành yêu, nay chúng muốn kêu với vua đào lên để chúng được trổ tài cho nhà vua dùng đó. Trong bài thơ nói: “Cổ nguyệt lạc hàn thủy”, là: bên tả chấm thủy, giữa có chữ “cổ”, bên hữu có chữ “nguyệt” ghép lại thành chữ “bạn”. Cho nên nói: “Ðiền ôi vị bán âm”. Kim, đồng ghép lại là chữ “chung”. Thiên lý ghép lại là chữ “mai”, vì chữ “thổ” ngược lại là chữ “thiên”. Bốn câu này đọc thành bốn chữ là “Hồ bạn chung mai” (nghĩa là Chuông chôn bờ hồ). Còn các chữ khác chẳng qua chắp nhặt cho thành câu thôi. Hai chữ “vương” trên chữ “bà”. Trên đầu chữ “tỷ” với trên đầu chữ “ba” so sánh như nhau, nghĩa là cùng đặt hai chữ “vương” lên trên thì thành chữ “tỳ”. Hai chữ tuy đảo ngược, nhưng cũng hiểu là chữ “tỳ bà”. Gả cho chàng kim đồng: Kim đồng là chữ “chung”. Chắc là “tỳ bà” và “kim chung” cùng đựng vào một vật gì đem chôn đó. Còn câu: “Không đới đào chi vĩnh tự thương”, thì cem bờ hồ nào có cây anh đào, tức là hai thứ ấy chôn ở dưới gốc đó.

Ta lại hỏi âm và nghĩ của 71 chữ ở đầu trang.

Tiên thổi địch nói:

- Những chữ ấy tức là lời tâu của hai con yêu. Lối chữ ấy là lối chữ cổ sơ của Việt Nam. Nay Mường Mán ở các sơn động cũng có người còn đọc được. Nhà vua triệu họ đến, bắt họ đọc thì khắc biết.

Tiên thổi địch nói xong, ta còn muốn nói chuyện nữa. Chợt có cơn gió thoảng qua làm ta tỉnh giấc. Bèn truyền thị vệ theo lời dặn của Tiên thổi địch đi tìm. Quả nhiên đào được một quả chuông vàng và một cây đàn tỳ bà ở bên hồ.

Lê Thánh Tông





- MỤC KHÁC
giới tính l Phần mềm l Xem bói l girl xinh vn l Game Hot l girl xinh l GIẢI TRÍ l Trà sữa l mẹo vặt l thủ thuật l sms l Cẩm nang l nhạc chuông l Đọc Truyện
Hosting By Xtgem.com
U-ON bonba9x