Old school Swatch Watches
blogqn.wap.sh - Trang tải game, phần mềm ứng dụng và giải trí miễn phí!
BonBa9x.Wap.Sh
Thế Giới Giải Trí Cho Mobile
Cho Bạn Và Cho Tôi
Truyện ngắn

Bó hoa quá đẹp

Từ lúc ngồi tiếp chuyện Thúy Lan, Chương thấy tâm hồn mình nhẹ bổng, bàng hoàng như bay lên mấy từng mây. Mà chàng không cảm động sao được, Thúy Lan là tiêu biểu cho cái đẹp trong lý tưởng của chàng, Thúy Lan lại thuộc về phái thượng lưu, trí thức, lanh lợi, thông minh, nói năng hoạt bát. Thời thường, Chương vẫn ao ước có dịp được biết nàng; thế mà hôm nay gặp nàng ở nhà bạn, Chương lại bối rối không biết làm thế nào để kéo dài câu chuyện cho nó có duyên.
Mỗi lần ở Nam lên chơi Hà Nội, Thúy Lan thường ở nhà bạn là Vân Anh. Tuy Vân Anh đã có chồng nhưng đôi bạn gái thân yêu nhau từ thuở nhỏ, cùng chơi đùa, cùng học tập một trường, chẳng vì thế mà giảm phần quyến luyến. Chương là bạn thân của chồng Vân Anh, cho nên chàng đã nhiều lần xem ảnh của Thúy Lan; đã nhiều lần chàng được nghe vợ bạn ca tụng những nết hay, vẻ đẹp của người mà hôm nay chàng được cái hân hạnh ngồi đối diện.
- Mời ông xơi nước kẻo nguội...
Tiếng nói trong trẻo của Thúy Lan, Chương cho là tiếng đàn tuyệt diệu ở cõi xa xăm đưa lại. Chàng ngây ngất, kề chén nước vào môi. Chàng vừa nhận thấy cái hương vị thơm tho của chén trà ngon mà chàng cho là nhờ có cái bàn tay xinh xắn, ngọc ngà của Thúy Lan pha nên mới có.
Chàng ngảnh nhìn Thúy Lan. Lúc đó bóng trăng đã rọi quá lên thềm, soi thẳng vào mặt Thúy Lan làm cho cái đẹp cao quý, đài các của nàng thêm vẻ mơ màng, huyền bí.
Ngoài vườn gió thoang thoảng thổi, lá cây rung động xạc xào. Quả tim của Chương lúc đó cũng rung động, là vì đêm đã hơi khuya mà vợ chồng bạn đi chơi từ chập tối vẫn chưa về. Chương muốn rốn ngồi nhưng không tiện mà bỏ ra về thì tiếc những phút êm đềm được ngồi cạnh người mình yêu dấu bấy lâu. Nhưng sau cùng, chàng cũng phải đứng dậy, rút điếu thuốc hút rồi quả quyết cáo từ Thúy Lan, hẹn hôm sau sẽ lại.
Về đến nhà, Chương trằn trọc mãi mà không ngủ được. Hình ảnh của Thúy Lan vẫn phảng phất trước mắt chàng. Chàng vừa cảm ơn sự tình cờ đã xui khiến cho chàng được gặp gỡ Thúy Lan, chàng đã lại trách ngay sự tình cờ sao lại bày ra cái cuộc gặp gỡ éo le ấy. Vì, tự xét thân thế mình, Chương thấy nó chẳng đáng là một kẻ học sinh nghèo, sao lại có cái ý tưởng điên cuồng chực yêu một người xa xôi như trong mộng, một người từ thuở lọt lòng đã quen với cái sống đài các, xa hoa.
Ôi! ở đời sao lại có chỗ cách biệt tầm thường mà quan hệ thế, để cho lòng người phải tan nát?
Tại sao Thúy Lan lại chẳng là con gái một gia đình cũng thường thường như chàng? Tại sao Chương có quyền yêu Thúy Lan mà vẫn không có hy vọng một ngày kia nàng yêu lại?
Nhưng sáng hôm sau ngủ dậy, Chương đã lại vui vẻ như con chim thấy ánh sáng mặt trời, vì tâm hồn thiếu niên bao giờ cũng vậy, những điều lo nghĩ chỉ thoáng qua như cơn gió. Họ chỉ biết cái vui hiện tại, dù cái vui đó rồi cũng chỉ thoáng tan như bọt nước trời mưa.
Chương vui vẻ tưởng đến buổi lại được gặp mặt Thúy Lan, mà lần này thì hẳn Thúy Lan cảm thấy được lòng yêu tha thiết của chàng, vì chàng vừa mua một bó hồng đắt tiền thật đẹp để tặng Thúy Lan.
Đàn bà bao giờ cũng thích hoa, mà nhất là Thúy Lan, một cô gái về phái mới, nàng chẳng yêu hoa sao được. Nghĩ thế Chương, lấy làm hớn hở, trân trọng bọc bó hoa vào một mảnh giấy lụa mỏng rồi chàng đến gõ cửa nhà bạn.
Nhưng chàng thất vọng biết bao, khi chàng được tin Thúy Lan vừa có ô tô của người anh họ đón đi Đồ Sơn nghỉ mát.
Những hai tháng nữa Thúy Lan mới về, mà bó hoa đẹp của Chương chỉ tươi thắm được hai ngày là héo hắt, khác nào tấm lòng của Chương chỉ vui vẻ một lúc rồi tuyệt vọng mà hao mòn.
Cái lâu đài đẹp đẽ chàng vừa xây xong đã đổ nát. Cái hy vọng làm đẹp lòng ai một phút cũng không thành. Thúy Lan đã vô tình giày xéo lên trên quả tim thổn thức vì nàng mà nàng không biết.
Buồn rầu và chán nản, Chương định vất bó hoa xuống đất mà giẫm cho tan nát ra, nhưng nghĩ lại hoa kia vô tội, phải là kẻ phàm phu mới có cái cử chỉ ấy được.
Một thiếu niên thông minh, học thức mà lại giàu tình cảm như Chương thì dẫm nát một bó hoa đẹp sao đang.
Về đến nhà trọ, Chương định tìm cái lọ để cắm những bông hồng không may mắn ấy để trên bàn học. Nhưng chẳng có cái nào đáng để cắm những bông hoa đẹp quá ấy. Chẳng có cái nào vừa ý Chương.
Chàng bỗng thở dài vì một ý nghĩ chua chát vừa hiện ra trong óc. Chàng tự ví mình với những chiếc lọ tầm thường không xứng với những bó hoa quý giá như Thúy Lan.
Chương đương nghĩ ngợi lan man thì bỗng nghe văng vẳng có tiếng hát ở nhà dưới. Chàng nhận ngay ra là tiếng hát của cô Thu, con gái bà chủ nhà trọ đương ngồi khâu bên cửa sổ.
Chương mỉm cười. Chàng đã nghĩ được một cách để khỏi bận bịu với bó hoa. Chàng đem tặng cô Thu bó hoa ấy, thế là xong. Rồi chàng cầm ngay bó hoa xuống nhà đặt bên cạnh cô Thu:
- Sáng nay có người bạn cho tôi bó hồng hái ở vườn nhà. Tôi chắc cô Thu cũng thích hoa nên tôi mang biếu...
Thu sung sướng quá, không dám ngẩng mặt lên, bủn rủn cả tay chân, hai má nàng đỏ bừng. Nàng ôm bó hoa vào lòng mà không tìm được một câu để cảm tạ Chương đã nghĩ tới nàng.
Thu cảm động như thế là vì đã một năm nay, từ ngày Chương đến trọ học nhà Thu, Thu yêu Chương, yêu một cách âm thầm tuyệt vọng, có lẽ suốt đời, Thu còn cảm thấy cái tình yêu ấy, nhưng thà chết chứ không khi nào Thu dám thổ lộ với Chương. Vì Thu biết là Chương không hề để ý tới nàng, vì Thu tự biết mình không đáng được Chương yêu.
Thu cũng có chút nhan sắc đấy, nhưng Chương còn ước vọng những chỗ cao xa, còn lòng đâu mà nghĩ tới một cô con gái cửa nhà đạm bạc như Thu còn phải may thuê, vá mướn để nuôi một mẹ già và săn sóc một đàn em dại.
Biết vậy mà Thu vẫn yêu Chương. Nàng săn sóc tới Chương như một người em gái săn sóc cho người anh ruột.
ấm nước của Chương lúc nào cũng nóng, chỗ học của Chương bao giờ cũng sạch sẽ, ngăn nắp hẳn hoi.
Hễ Chương ngủ trưa là Thu nhẹ nhàng khép cửa sổ, sợ chàng chói mắt và dặn các em khẽ mồm "để anh Chương ngủ".
- Anh Chương hôm nay về chậm.
- Anh Chương hôm nay thức khuya.
Những câu nói ấy nàng cố lấy giọng tự nhiên để nói với Chương, nhưng nó ngụ biết bao tình âu yếm, nếu Chương hiểu được lòng Thu.
Thu hy vọng một ngày kia. Cái ngày ấy phải quan trọng mà hoang đường như ngày một cô con gái thường dân lấy được ông Hoàng. Chương sẽ biết cho cái tình khổ tâm và u ẩn của Thu, rồi Chương sẽ ôm Thu vào lòng mà thỏ thẻ bên tai Thu những câu êm ái:
- Chương xin lỗi Thu vì đã để cho Thu phải đau lòng, Chương cũng yêu Thu lắm...
Cái ngày ấy Thu chờ đợi mãi. Có lẽ lúc này đã đến, vì không phải là vô cớ mà Chương lại đem tặng nàng bó hoa đẹp như thế kia.
Thường thường trai gái tặng hoa cho nhau, chỉ là tỏ cho nhau biết nỗi lòng yêu.
Thu thẹn thùng, vuốt ve mấy bông hoa cũng tươi thắm như đôi má của Thu rồi khẽ nói:
- Bó hoa đẹp quá!
Nhưng lúc nàng ngẩng mặt lên thì Chương đã vội vã quay gót bước đi rồi.
Thôi thế là hết, giấc mộng êm đềm của Thu đã hết. Chương chẳng ôm Thu vào lòng, Chương chẳng nói thêm một câu nào nữa, Chương chẳng phải vì yêu Thu mà tặng Thu hoa.
Thế là cái tình tuyệt vọng vẫn theo Thu mà vò héo tấm lòng nàng những ngày gió mưa không người an ủi.
Chương vẫn lạnh lùng đạp bước lên trên quả tim của Thu thổn thức vì chàng mà chàng chẳng biết. Chàng tặng Thu bó hoa là vì chàng chẳng nỡ vứt nó đi. Chỉ có thế thôi.
Nhưng bó hoa đẹp quá! Ôi! Bó hoa chàng tặng Thu đẹp quá, đời Thu không có cái hạnh phúc được chơi. Nàng đối với Chương cũng chỉ như cái lọ tầm thường không đáng dùng để cắm những bông hoa quá đẹp.
Tiểu thuyết thứ bảy, 1934,
In trong tập truyện ngắn Trong bóng tối,
Ngô Ngọc Trương xuất bản, Hà Nội, 1936.

Nhớ quê

Có dễ đã lâu lắm tôi không có dịp nhìn lại quê hương cũ. Mà cả xưa kia nữa, cũng rất ít khi tôi được về quê. Về quê! Hai tiếng đó, trong gia đình tôi, người ta chỉ nói vào lúc cuối năm, gần Tết. Bởi vậy ngày nay nếu có những phút nào mà tôi động lòng quê nhất, tức là vào những buổi tàn năm.
Gia đình tôi là một gia đình viên chức. Cái sống ở thành thị đã chôn chân mọi người vào một chỗ, làm cho dễ nhãng quên những nỗi nhớ thương vơ vẩn trong đời, do đó cái nơi mà người ta không yêu mến, không thấy có gì là thiêng liêng ràng buộc cả, thì lại hóa ra quê hương chính thức. Tôi còn nhớ, xưa kia, cứ mỗi lần nghe nói đến "về quê" mẹ tôi lại gắt lên: "Về làm gì cho thêm tốn kém? Thôi, ăn Tết ở đâu mà chả được". Nhưng, tuy nói thế mà tôi biết mẹ tôi, cũng như tất cả nhà, rất muốn được ăn Tết ở quê. Than ôi, người đàn bà đáng thương kia giữ lấy một mình trên vai tất cả gánh nặng của gia đình, lúc nào cũng nghĩ rằng nếu trong nhà túng thiếu là do lỗi ở nơi mình chẳng khéo tính toán mọi chuyện. Vì thế, những lần mà cái gia đình ấy thu xếp về quê ăn Tết là những lần được đứa trẻ là tôi ngày đó coi như những việc hệ trọng, thay đổi lớn trong đời. Thực là những dịp rất hay để làm náo động cả mọi cảnh nhà vốn buồn bã vì phẳng lặng.
Thường thường thì chúng tôi khởi hành vào buổi sáng ngày ba mươi Tết. Từ cái thị xã tỉnh Thanh nơi bố tôi làm việc đến cái làng hẻo lánh ở bên một con sông kia chỉ xa nhau độ hơn ba mươi cây số là cùng. Nhưng mà đường đi thực là vất vả. Vì đó là những con đường đất nhỏ, có những đoạn dốc rất dài, có những quãng men sườn núi, những chỗ phải qua đò; nhưng về mùa mưa gió thì bánh xe ngập xuống bùn lầy nhiều lúc phải nhờ đến cả người đi đường giúp tay vào đẩy hộ. Thực có đúng như câu: Vó câu khấp khểnh bánh xe gập ghềnh. Con đường ấy bây giờ đã rộng ra nhiều, đã được sửa sang luôn và buồn thay, cũng đã có ô tô chạy qua rồi, nhưng tôi vẫn nhớ cái thời mà tôi được ngồi trên chiếc xe bánh sắt để được kéo qua đấy với tâm hồn một đứa trẻ thấy gì cũng bỡ ngỡ lạ lùng.
Vì hành lý đem theo lủng củng, vì nhiều người cùng đi một chuyến, nên thường chúng tôi phải đi thuyền cho đỡ tiền xe.
ồ, những chuyến đi thuyền! Tất cả thi vị của những chuyến đi kia còn sống ở lòng tôi cho đến tận bây giờ. Tôi còn nhớ cả tiếng nước reo khi thuyền đi ngược dòng với một chiếc buồm nâu căng gió trên sông Mã (vì đó là con sông Mã). Sông Mã nước xuôi tựa ngựa phi.
Quê hương khuất bóng hoàng hôn,
Trên sông khói sóng cho buồn lòng ai.
Ngày nay, nếu có một buổi chiều mà tôi trở về làng cũ trên một chiếc thuyền như thế nữa, thì có lẽ tôi đã ngâm hai câu thơ của thi sĩ Tản Đà, rất hợp với cảnh kia rồi. Nhưng hồi đó, cái trí não ngây thơ của tôi chỉ biết thu nhận tất cả những hình ảnh huy hoàng trên sông, để rồi giữ lấy, tưởng không bao giờ mờ nhạt được.
Ngày nay tôi còn ghi nhớ được những gì? Đó là những cồn cát trắng chạy dài theo dọc bờ sông, có hàng đàn chim ngốc đen đỗ phơi mình sưởi nắng. Đó là những bãi dâu thưa lá, những bãi rau hay thuốc lá tốt tươi, những cái bến nước làng có bực đá xanh mà đàn bà con gái ra gánh nước, đãi đậu, vo gạo thổi xôi, hay gội đầu tắm giặt nốt ngày trước Tết. Đó là những cây nêu ở hai bên bờ sông vọt lên trên những nóc nhà dân và những ngọn cây, những cây nêu mới cắm. Đó là những đám thuyền bè thấy dần dần trời tối, đã rủ nhau đậu lại ở một quãng sông quen nào đó, lên đèn hương cúng tổ tiên để đón ông vải. Những thuyền của dân thủy cư, cái dân trôi nổi quanh năm, từ nguồn ra bể, rồi lại từ bể về nguồn, họp thành tổng, thành làng trên mặt nước.
Nếu thuận gió chỉ trong nửa ngày là chúng tôi tới được bến làng. Nhưng thường thì cứ gần đến nửa đêm, mẹ tôi chừng nóng ruột cứ chốc chốc lại hỏi người nhà lái:
- Đã đến Ba Bông chưa ông lái?
- Thưa quá đã lâu rồi ạ. Dễ mà bây giờ đã đến Chè.
Chè... Nổ... Hang... Cung... Những cái tên làng, tên bến mà thuyền phải đi qua, tôi nghe như những tên thuộc về một cõi đời cổ lỗ nào, những tên tôi tưởng không thể nào còn có ở thời đại bây giờ nữa.
Trời tối hẳn. Những ngọn lửa trong các khoang thuyền đương thổi nấu, những ánh đèn đỏ tù mù chiếu nhấp nhoáng trên mặt nước đen, những tiếng gọi chào nhau vội vã của người trên sông khi nhận được thuyền nhau, những tiếng nước rào rào đổ xuống khi những tay sào cúi rạp người để đẩy thuyền đi băng băng rồi lại rút sào lên mà chạy rất đều trên mui lá, tất cả những cái đó làm cho tôi lo sợ hoang mang, làm cho con sông có một vẻ gì huyền bí thêm lên đối với tôi. Nhưng chính vào lúc đó mắt tôi thường díu lại. Và khi thuyền đến bến người ta phải đánh thức tôi dậy để vào làng.
Những phút đổ bộ ấy thực là rộn rịp. Suốt một ngày tù cẳng trong thuyền, bây giờ được đặt bước lên trên cát người nào cũng tỏ vẻ khoan khoái vui vẻ cả. Những tiếng lội nước bì bõm của những người đi đón chúng tôi, đã đứng chực sẵn ở bến với một cây đèn bão từ bao giờ không biết, những tiếng chào hỏi của các người trong họ đã biết tin chúng tôi về nên ra đón làm vang cả một khúc sông. Vì như trên tôi đã nói, những dịp chúng tôi về được như vậy là rất hiếm. Trong cơn ngái ngủ bàng hoàng bao giờ tôi cũng nghe thấy một vài người nhắc đến tên tôi. Đó là những bà cô, ông bác già nghèo đói. Họ có vẻ mừng rỡ thực tình vì lại được thấy chúng tôi, bởi, tội nghiệp, họ biết thế nào cũng sẽ được mẹ tôi giúp đỡ hoặc một món tiền nhỏ, hoặc cho họ một cái quà gì đó, một cái quần áo cũ nào mẹ tôi đã chịu khó vá víu lại, để chờ những dịp đó, trong khi nhàn rỗi. Thế là cả một đoàn người bỏ lại chiếc thuyền đã hạ buồm trên bến nước khuya vắng lạnh, chẳng mấy chốc vì không có ánh đèn soi sáng, nên trở lại tối đen. Chúng tôi đi theo người dẫn lộ cầm đèn đi trước, vì đường hẹp, đi băng qua một bãi ngô hay một bãi thầu dầu rồi mới tới được đầu làng. Đoàn bộ hành ấy thường gấp bước vì mong chóng tới nhà cũng có, mà còn vì sợ đêm đã khuya phải tới nhà vào lúc quá giao thừa chăng. Tới nhà không kịp giao thừa! Đó là một điều không may rất kỵ, mà bà tôi ở quê, tuy rất mong chúng tôi về cũng không thể nào tha thứ được. Còn tôi nửa thức, nửa ngủ từ lúc rời thuyền, bám cổ người đầy tớ cõng tôi đi. Tôi nghe những tiếng nói rì rầm, tiếng bước chân của đoàn người rầm rập trong bóng tối, trong im lặng của xứ quê lúc nửa đêm mà có cảm giác như chúng tôi đặt bước lần đầu tiên lên một chốn hoang vu, đầy bí mật.
Không khí có một ý nghĩa thiêng liêng, ghê lạnh thêm vì tiếng chó sủa ran mỗi lúc chúng tôi đi qua một túp lều nào đã kín liếp, và câm tiếng như một cái mồ.
Nhưng cứ đến đầu một xóm nào, chúng tôi cũng gặp vài người tuần tráng cầm gậy dài ở tay, đứng ngồi xúm xít chung quanh một ngọn lửa.
- Đây là tuần canh ngõ Thẳng.
Một người trong bọn nói lên như vậy.
- Đây là tuần canh ngõ Chửa (hay ngõ Đình, ngõ Hát).
Thôi, chúng tôi đã đến nơi rồi! Tôi chẳng còn sợ sệt như ban đầu nữa. Cứ nghe những tên ngõ làng ngộ nghĩnh kia tôi cũng đủ nhận ra là nơi này chính thị "của mình" rồi. Những kẻ tuần tráng ấy mỗi lần nhận ra chúng tôi đều đứng lên chào rất lễ phép. Tôi thấy mẹ tôi thường hỏi họ:
- Anh em đốt đình liệu cho làng đó à?
Đốt đình liệu? Đó là cái tục của làng. Đêm ba mươi năm nào người ta cũng phải đốt lửa từ chập tối cho đến giao thừa từ đầu làng đến cuối làng, và trong mỗi ngõ thuộc về mỗi xóm. Không hiểu cái tục kia có tự bao giờ và đốt lửa như vậy để làm gì? Sao lại không đốt quanh năm mà chỉ đốt trong cái đêm ba mươi đầy vẻ hãi hùng này? Cái trí não đầy mê tín của tôi ngày ấy cho rằng đêm ba mươi trời tối quá, những vong hồn của người chết ở xa xôi nơi góc núi, bờ sông không thấy đường nẻo nào rõ cả, phải "trông" theo ngọn lửa mà tìm về. Đó là một cách mời người đã khuất trở về làng ăn Tết với gia quyến, với người thân.
Đình liệu! Bây giờ chỉ nhắc lại hai tiếng ấy, tôi cũng đủ thấy lại cả một thời xưa cổ, với những ngọn lửa sáng rực rỡ, thấp thoáng bóng người lố nhố chung quanh để nuôi giữ cho ngọn lửa khỏi tàn. Đó là một cánh lính canh trại trong thời loạn cũ, hay là cảnh nơi địa ngục: quỷ sứ tay cầm khí giới nhảy quanh ngọn lửa nướng người. Cái óc tưởng tượng trong hồi thơ dại của chúng ta thực có dồi dào lắm vậy.
Lúc tiếng trống chùa làng nổi lên tế giao thừa dễ thường tôi đã buồn ngủ rũ ra rồi. Mắt tôi chỉ kịp nhìn qua cái cảnh lộng lẫy ở nhà thờ một lát thôi. Nhưng trong giấc ngủ, vẫn mơ màng đến đèn nến, lư trầm, những mâm ngũ quả đầy những thứ tôi ưa thích và nhất là cái ngai thờ của ông tôi mà năm nào tôi cũng thấy khoác một chiếc áo trào thêu rồng phượng, thủy ba, với đủ cả cân đai bố tử uy nghi như là người thật giữa bàn thờ. Ôi cái áo trào của ông tôi, cái vật "bất khả xâm phạm" của một gia đình đã lâu không còn có người hiển hách nữa. Tôi đã được nhiều dịp nhìn thấy nó mà không dám lại gần, bởi vì không ai cho lũ trẻ lại gần những vật ấy bao giờ. Những hôm trời nắng ráo người ta đem phơi nó ra giữa sân chốc lát cho khỏi ẩm và khỏi mốc. Đó là những dịp cho cả nhà bàn nhắc lại cái thời vinh hạnh của người đã từng được triều đình ban cho cái áo, cùng với cái hốt ngà, cái mũ cánh chuồn, cái đôi hia, tất cả trông rất "tuồng" kia. Những người đàn bà thì vừa bổ cau, chẻ dưa, vừa nghe những kẻ có tuổi trong họ kể lại bằng một vẻ rất kính phục. Một vài ông khách đến chơi nhằm vào lúc đó, mân mê cái áo dệt bằng thứ gấm Tàu rất tốt đời xưa mà khen ngợi mãi. Thực là cảm động! Thực là buồn, cái cảnh một bọn người hèn kém bám vào cái huy hoàng cũ của một người đã khuất để mà kiêu hãnh, và thèm thuồng, giữa một cảnh đã suy vi, nhưng vẫn cố giữ lấy nếp thế gia. Hồi đó, hẳn cũng đã có lúc tôi đã mơ tưởng đến một ngày có được cái sự nghiệp lừng lẫy, to lớn gì ở trên đời để được mặc vào người cái áo trào sặc sỡ, cái áo mà tất cả người trong họ đều kính sợ, đều say mê mà chẳng một ai dám ao ước mơ tưởng kia.
Nhưng, hình như tôi vẳng nghe có tiếng pháo rồi, có lẽ trong nhà đã cúng xong. Bây giờ tôi lại mơ màng đến những bạn nhỏ của tôi, phần nhiều là những đứa trẻ thiếu ăn thiếu mặc, bẩn thỉu, con cái của các người bà con lân cận. Tôi nghĩ đến những cái pháo chia cho chúng nó, đến những trò chơi rất lạ mà trẻ con ở nhà trường, ở thành thị chẳng bao giờ nghĩ được ra. Thực là những người bạn rất phục tòng. Than ôi, chúng đã biết phục tòng từ bé, vì chúng trông thấy ở quần áo tôi một dấu hiệu gì hơn chúng nó rồi. Chỉ vì chúng hiểu rằng phần nhiều quần áo của tôi mặc cũ là đến phần chúng nó, do tay mẹ tôi "hoạn" lại và "bố thí" cho. Tôi không hiểu những con người bé nhỏ ấy nghĩ ra sao lúc mặc lại những quần áo của tôi thải đó, nhưng tôi thì lại nhớ rõ ràng, tôi đã ngạc nhiên hết sức. Tôi nghĩ rằng những ngón tay của mẹ tôi là những ngón tay của một bà tiên. Tôi không thể ngờ được những quần áo cũ, rách của mình mặc cho người khác lại có thể ăn sát, và "dễ coi" được thế.

Cái thời dễ tin, dễ yêu của tuổi ấu niên kia qua đã lâu rồi. Sự từng trải của cuộc đời và sách vở đã luyện cho tôi trở nên một kẻ khác. Ngày nay tôi có trở về làng cũ thì biết còn chăng những cảm tưởng trong trẻo và đẹp đẽ như xưa kia? Tôi đã đi đây đi đó, tôi đã dừng chân trước bao nhiêu cảnh non sông diễm lệ ở đời, biết có còn giữ được những hứng thú, những cảm giác như lúc này nhớ lại quê hương?
Hôm qua đi thơ thẩn trên một hè phố đông thiên hạ đi sắm Tết, có một kẻ nào đó vỗ vai tôi và hỏi:
- Tết này đi đâu? Về quê chứ?
Về quê!
Hai tiếng đó bỗng gợi cho tôi cả một thế giới thần tiên đã mất. Than ôi, tôi đã làm gì tuổi trẻ của tôi rồi? Và cả những người bạn nhỏ của tôi nữa? Có dễ họ đã hóa ra một lũ "nửa người nửa ngợm", một lũ ngây ngô ở nhà quê rồi. Có lẽ trông thấy tôi bây giờ họ sẽ nhìn bằng những con mắt sợ sệt, như con mắt của những con vật rút rát. Có lẽ họ đã đói khổ, thất học, hôi hám, càng nhớn lên càng ngu độn, càng rách rưới, nhất là càng rách rưới, vì đã lâu không có ai "hoạn" lại những chiếc áo cũ của tôi cho họ mặc nữa.
Về quê!
Hai tiếng đó ngày nay chỉ gợi cho tôi một cảnh tối tăm, một cảnh thương tâm, một cảnh nghèo nàn với tất cả sự đầy đọa của một lớp người sống mà không biết rằng mình sống, một lớp người cùng với mình cách biệt vô cùng, cách biệt về vật chất, cách biệt về tinh thần, cách biệt như hai thái cực.
Tiểu thuyết thứ bảy, số 295,
Tết Canh Thìn, ra ngày 3-2-1940.

Hoa "ti gôn"

Hoa "Tigôn" bà đầm! "Tigôn" bà đầm! "ơi dê" bà đầm! Cái "chợ hoa" ở phố Tràng Tiền, cạnh Hồ Gươm, làm tăng vẻ tươi thắm, mỹ miều cho Hà thành nhiều lắm. Một buổi sáng mùa thu, không gì thú bằng đứng nhìn những thiếu nữ đẹp như hoa, tha thướt đi chọn hoa, những người đàn bà Pháp áo màu rực rỡ đi qua lại đó, một đôi khi, một vài chàng trai trẻ nữa, có lúc người ta còn thấy cả những ông già cũng đến đó "hỏi thăm hoa". Thực là một cảnh tượng tưng bừng, trẻ trung gợi cảm. Tiếng mời chào của các cô hàng hoa vui vẻ như lưu luyến khách, ríu rít như chim họp chuyện buổi mai:
- "Ơi dê" bà đầm! "Viôlét" bà đầm!
Mỗi mùa lại một tên hoa: hết sen thì đến cúc, thược dược, hết trà lại đến cẩm nhung, huệ trắng, hướng dương..., những cái tên êm ái như tên thiếu nữ. Nhưng có ai nghĩ rằng: những bông hoa mà các cô hàng tươi trẻ buộc gói nhanh thoăn thoắt, đưa trả khách mua, những bông hoa đó sẽ về đâu? Có những bông sẽ được cắm vào những chiếc lọ pha lê quý giá, đặt trong một gian phòng khách êm đềm, được những bà nội trợ nhẹ tay sắp đặt cho có vẻ dễ thương, để mong làm đẹp lòng người chồng sắp sửa ở những chỗ làm ăn vất vả trở về, mệt nhọc. Có những bông sẽ được lọt vào tay những chàng trẻ tuổi, những thiếu nữ mới biết yêu, những bông đó thực là có diễm phúc, vì chúng nó sẽ được nâng niu, trân trọng, quý báu vô vàn, chúng nó sẽ được để bên giường ngủ, trên bàn học. Và lúc tàn rồi, người ta cũng không nỡ vứt nó ra ngoài rãnh, người ta sẽ bỏ cánh hoa rơi vào hộp mà cất kỹ dưới đáy hòm, trong góc tủ, để lúc "già rồi" hay đến lúc hết "yêu nhau" người ta mới lục ra để mà rỏ lệ vào đấy..., như trong tiểu thuyết. Cũng có những bông đi ra ngoài nghĩa địa, mang đi bởi những bàn tay gầy, trắng, của những người đàn bà góa đương còn trẻ, để đặt lên mồ của những ông chồng bất hạnh, và để nhắc cho những ông chồng ấy hiểu rằng: "Em chẳng bao giờ quên anh được... nhưng, đời đẹp lắm! Em sắp lấy chồng đây!" Lại cũng có những bông hoa đã an ủi được nhiều linh hồn cô quạnh, linh hồn khắc khoải của những kẻ chung tình đến chết vẫn còn yêu, những kẻ vì yêu mà chết!
Như những bông hoa "Tigôn" mà họa sư Lê Chất đã đặt trên mồ Mai Hạnh, đã cắm trong phòng vẽ suốt một mùa thu.

Sáng nào cũng vậy, hết giờ dạy vẽ ở trường Mỹ thuật về qua phố Tràng Tiền, họa sư Lê cũng không quên mua một bó "Tigôn". Đó là cái thói quen của họa sư mà không một người bạn hay một người học trò nào thân là không biết rõ. Đến mùa hoa "Tigôn" nở nhiều nhất, thì trong nhà họa sư Lê, người ta chẳng còn thấy một thứ hoa nào khác nữa. Và có người nào tẩn mẩn ngắt một nụ hoa nho nhỏ ấy xem thực kỹ càng, người ta sẽ phải cho lời nhận xét của họa sư là đúng: "Hoa "Tigôn" hình quả tim vỡ làm mấy mảnh, màu hồng dịu như nhuộm máu đào. Rồi người ta phải tự hỏi thầm:
- Tại sao họa sư Lê lại thích chơi cái thứ hoa trông như giấy ấy, để trong phòng quá một ngày đã rụng rồi? Chắc lại có điều tâm sự chi đây...

Một buổi trưa - hồi đó Lê Chất 24 tuổi, còn là một họa sĩ nghèo mới ở trường ra - một buổi trưa đạp xe về các vùng lân cận Hà thành, họa sĩ Chất rẽ vào làng Mọc với cái giá vẽ buộc trước xe. Người thiếu niên ấy vừa huýt sáo vừa đi tìm cảnh đẹp. Mà cảnh đẹp đây là một thiếu nữ yêu kiều chàng mới gặp chiều qua.
Đến gần một ngôi nhà cũ kỹ trông ra dáng biệt thự của một vị hưu quan dùng làm chỗ nghỉ ngơi, Chất hãm xe lại, và nghển cổ nhìn qua một cái hàng rào cây xanh tối um tùm. Chiều qua, lúc Chất sắp đạp xe rất nhanh qua đó, tình cờ liếc mắt vào nhà, chàng thấy một thiếu nữ đương đứng trên một chiếc ghế cao, với tay lên những dây hoa đỏ trên giàn nứa. Người con gái mặc áo cánh lụa cụt tay, hở cổ, để lộ một lớp da hung hung khỏe mạnh, thứ da được phơi nắng của những cô gái nhỏ. Hai má người ấy đỏ hồng, vài sợi tóc tỏa trên vừng trán. Cảnh "con gái hái hoa" ấy như một bức tranh linh động, khiến thiếu niên họa sĩ phải dừng chân ngắm không chán mắt. Cái khuôn mặt đều đặn: một vẻ đẹp cao quý vô cùng, nhất là đôi môi có một nét vẽ lạ, mà Lê Chất chưa được trông thấy ở khuôn mặt một người thiếu nữ cùng nòi giống bao giờ. Lớp môi trên mỏng, thực mỏng như là có một bàn tay cố ý làm ra thế, còn môi dưới thì chề ra, hơi sưng sưng, như một thứ quả chín ngon lành khiến ai trông thấy cũng phải thèm thuồng ao ước. Đó là thứ nhan sắc rất hiếm hoi, người ta trông thấy một lần là phải ghi sâu trong tâm tưởng. Thiếu nữ vô tình, bận gỡ những dây hoa leo trên giàn, đã để cho Lê Chất có thì giờ nhìn ngắm kỹ. Đến khi nàng bước xuống đất, sắp vào nhà, đưa mắt ra đường, trông thấy có người đứng nhìn mình mới cau mày tỏ vẻ không bằng lòng con người bất lịch sự.
Nhưng từ đó, hôm nào họa sĩ cũng đạp xe vào làng Mọc, giá vẽ buộc trên xe, mà chẳng vẽ bao giờ, vì còn bận quanh quẩn gần biệt thự. Thiếu nữ động thấy bóng chàng là lẩn vào nhà. Lê Chất được gặp nàng vài lần nữa rồi thôi, mà ngôi nhà hình như không có chủ nhân ở nữa, ngày nào cũng chỉ thấy có một ông lão già cuốc cỏ ở trong vườn.
Rõ lâu, Lê Chất mơ màng đến người thiếu nữ ấy. Chàng cố nhớ lại khuôn mặt, thân hình, hai cánh tay đẹp để trần, nhất là đôi môi của thiếu nữ. Chàng vẽ nhiều bức "croquis" trong tập "album" của chàng để ghi lấy những nét đẹp của người mình mơ màng..., rồi dần dần cũng quên nàng...

Lê Chất đã nổi tiếng. Thày học cũ của chàng vì mến tài chàng đã đưa chàng lên một địa vị mà nhiều kẻ phải ghen. Tranh của chàng được nhiều báo nước ngoài nói đến và bán giá rất cao. Là vì Lê Chất đã biết bỏ lối phong cảnh để vẽ người, tranh vẽ người của chàng, nhất là tranh vẽ đàn bà đã khiến các bạn chàng tặng chàng cái tên: "Người lấy máu để vẽ các cô gái đẹp". Chàng đã trở nên giàu có, ăn mặc rất sang, và rất khó tính, chàng đã đứng tuổi, đã lâu chàng không còn là gã họa sĩ nghèo, vui tươi, huýt sáo đi tìm cảnh đẹp quanh vùng lân cận Hà thành, giá vẽ buộc trên xe nữa.
Một mùa lạnh, Lê Chất đi vẽ ở vùng Vân Nam phủ, trong một bữa tiệc khiêu vũ ở tòa lãnh sự Pháp, chàng trông thấy một thiếu phụ An Nam đẹp, một vẻ đẹp buồn có dáng cao kỳ, kiêu ngạo. Chàng nhớ ra là đã gặp người ấy một lần. ở đâu? Bỗng nhiên Lê Chất rùng mình. Tám năm rồi, nhưng quên làm sao được khuôn mặt ấy, đôi môi ấy? Lê Chất nhờ một người bạn quen giới thiệu: thiếu phụ là vợ một viên chức trong tòa lãnh sự, nói tiếng Pháp rất thông. Trong một bản "tango", đột nhiên Lê Chất hỏi thiếu phụ:
- Bà vẫn thích hoa "Tigôn" chứ?
Thiếu phụ nhìn chàng rất ngạc nhiên:
- Ông nói gì, tôi không được hiểu.
- Có lẽ bà đã quên cả Hà thành..., làng Mọc..., cái biệt thự xinh xinh có một giàn hoa...
Người đàn bà ấy kêu lên, mắt long lanh:
- Có phải ông là cái anh chàng họa sĩ vẫn thường rình tôi ngày trước đó không? Thảo nào mới nhìn thấy ông tôi cũng tự nghĩ không biết đã gặp ở đâu. Tám, chín năm rồi đấy! Thế mà chúng ta còn nhận được nhau.
Mai Hạnh - tên thiếu phụ rất buồn rầu ở Vân Nam phủ. Nàng không có bạn nữa, nàng đã lấy một người chồng gia thế cân đối với nhà nàng, cuộc đời rất bằng phẳng nơi đất khách. Đến giờ, gặp được người cùng xứ, - người đó lại dự vào dĩ vãng tươi đẹp của nàng - một họa sĩ nổi danh, nàng không có cảm tình với Lê Chất làm sao được? Nàng thường đến chỗ chàng ở trọ thăm chàng, và thuận ngồi cho chàng vẽ một bức tranh.
Một buổi sáng, hai người đi thăm một cảnh chùa Tàu cheo leo trên một đỉnh núi, Lê Chất nói với nàng:
- Tôi biết thể nào trong đời tôi cũng còn gặp Hạnh, bởi vì tôi vẫn không bao giờ quên cái buổi chiều ở làng Mọc. Nhưng số mệnh khiến chúng ta gặp nhau lần này có phải là để chúng ta chỉ có thể thành một đôi bạn mà thôi ư? Hạnh có đoán được lòng tôi lúc này không?
Mai Hạnh, giọng run run và mặt tái nhợt, giơ tay bịt miệng Lê Chất lại. Lê Chất ôm lấy nàng, nàng không cưỡng:
- Em cũng yêu anh ngay từ buổi đầu...
Thế là, hai người như sống trong một cơn mê. Mai Hạnh cố chống chọi lại với ái tình. Lê Chất thì lo ngại, tính toán, như ngồi trên đống lửa. Chàng định cùng người yêu trốn đi Nhật Bản, chàng không cần gì danh dự, chức nghiệp, dư luận của đời nữa. Khi mà người ta yêu thì còn có cần gì? Mai Hạnh thì yếu đuối hơn, rụt rè, e ngại. Nhưng sau nàng cũng nhận lời.
Lê Chất đã sắp đặt xong mọi việc, chàng trở về Hà Nội, lo lót, lấy được giấy đi, tiền bạc, đồ dùng đi xa đã sẵn sàng cả, thì phút cuối cùng, chàng nhận được một bức thư:
"Chất, anh hãy đi một mình và quên em đi, vì em không thể theo anh. Đừng giận em, tội nghiệp! Em không phải là hạng đàn bà có thể vượt hết những khó khăn như anh đã tưởng. Đến phút cuối cùng, em bỗng sợ, em sợ gia đình tan tác, khổ tâm thày mẹ em, chồng em khinh bỉ, tai tiếng ở đời, những lo ngại ở tương lai... em thấy rằng: "Nếu chúng ta đi với nhau, chưa chắc chúng ta đã sung sướng". Anh thấy chưa? Em là một đứa hèn! Em không yêu anh được như anh tưởng đâu, vì em đã hi sinh anh cho tất cả những lo ngại trên kia. Vậy mà em yêu anh có thể chết vì anh được. Trong đời anh còn nhiều chuyện anh có thể quên em được đấy! Nhưng còn em thì thực chẳng bao giờ, chẳng bao giờ! Vì em biết sẽ không bao giờ tự an ủi được bởi em đã làm hỏng đời em nếu em chẳng theo anh...".
Trong thư, một dây hoa "Tigôn" nhỏ ép rơi ra: Những nụ hoa chúm chím hình quả tim vỡ làm mấy mảnh, đỏ hồng như nhuộm máu đào. Chất đặt một cái hôn trên những cánh hoa và khóc, nhưng đó là một kẻ đàn ông có nghị lực: chàng đi du lịch xứ Phù Tang có mỗi một mình.
Bốn năm sau, một hôm họa sư Lê Chất thấy trên bàn giấy mình một phong thư viền đen báo tang. Chàng mở ra xem thì ra của người chồng Mai Hạnh báo tin rằng nàng đã chết. Họa sư đáp xe lửa đi Vân Nam ngay để một buổi chiều đặt trên mồ Mai Hạnh những dây hoa "Tigôn" màu máu đào, hình quả tim vỡ làm mấy mảnh. Rồi trở về Hà Nội, chàng mới sực nhớ ra rằng quên không hỏi để xem Mai Hạnh chết vì sầu muộn, hay vì một cơn cảm, sốt... chết về một bệnh gì?
Ngày nay, họa sư Lê Chất đã già rồi, nhưng cứ đến mùa hoa "Tigôn" nở nhiều nhất, không buổi sáng nào họa sư quên mua một ôm về để thay cho hoa cũ trong phòng vẽ, vì thứ hoa ấy chóng tàn.
Tiểu thuyết thứ bảy, 9-1937.




- MỤC KHÁC
giới tính l Phần mềm l Xem bói l girl xinh vn l Game Hot l girl xinh l GIẢI TRÍ l Trà sữa l mẹo vặt l thủ thuật l sms l Cẩm nang l nhạc chuông l Đọc Truyện
Hosting By Xtgem.com
U-ON bonba9x