XtGem Forum catalog
blogqn.wap.sh - Trang tải game, phần mềm ứng dụng và giải trí miễn phí!
BonBa9x.Wap.Sh
Thế Giới Giải Trí Cho Mobile
Cho Bạn Và Cho Tôi
Truyện ngắn

NHỮNG BẤT NGỜ

Minh thất vọng. Chuyến đi xa không đưa lại cho anh những điều mong đợi, không làm anh hết băn khoăn. Anh lơ đãng cất bước về nơi tạm trú.

Hà Nội ngày hôm nay
Trong tiếng gió heo may
Anh đi vào nhung nhớ


Tìm lại người em thơ
Nơi phố cũ năm xưa
Nhưng nào thấy em đâu …*


Minh tự an ủi còn gần hai tuần lễ ở đây, biết đâu rồi sẽ tìm được tin nàng. Gần giờ dùng cơm tối, anh sửa soạn xuống nhà hàng của khách sạn lần nữa. Minh dự định, dùng bữa xong, anh sẽ lại đi bách bộ vài phút rồi về phòng nghỉ ngơi, ngày mai sẽ tính. Chợt điện thoại trong phòng reo. Anh nhấc máy. Nhân viên khách sạn cho biết có người muốn tìm anh. Anh hỏi ai muốn gặp.
- Thưa ông, họ không nói rõ, chỉ nói muốn gặp ông Nguyễn Trọng Minh, chúng tôi tra sổ biết ông ở phòng này.

Minh trả lời sẽ xuống trong ít phút. Anh thắc mắc. Một chút lo ngại. Anh có thông báo cho ai quen biết tại Hà nội chuyến đi này đâu. Hay công an muốn tìm, vì anh có “tội ác với nhân dân”, “với cách mạng”, không đi học tập cải tạo ngày nào. Dù sao đã đến đây rồi, anh nghĩ cũng chẳng có cách nào hơn, ai cần gặp thì đành gặp. Chẳng lẽ tiến trình bang giao Mỹ Việt đang được nhà cầm quyền Việt Nam âm thầm nhưng tận tình lo xúc tiến trong bước đầu, lại có chuyện làm khó dễ với một người trở về nước có giấy nhập cảnh như anh.

Anh dùng thang máy xuống từng dưới của khách sạn. Một thanh niên chừng 25, 26 tuổi, mặc đồng phục kaki tiến đến:
- Ông là Nguyễn Trọng Minh?
Minh hơi hồi hộp. Anh ta không gọi Minh bằng “anh” như người cán bộ phi trường. Anh ta cũng không đeo quân hàm gì hết. Minh, lần đầu tiên về Việt Nam, anh không biết anh này là cán bộ, hay quân đội, hay công an khu vực. Minh lấy vẻ điềm tĩnh trả lời:
- Vâng, chính tôi.
Người thanh niên này không lạnh lùng như người “đồng chí” của anh ta tại phi trường hồi trưa. Anh ta còn lộ vẻ mừng:
- Mời ông theo tôi, có người muốn gặp ông tại nhà ăn của khách sạn.
Minh theo người lạ mặt đến một bàn nơi cuối nhà hàng. Một người phụ nữ, áo dài màu xanh, ngồi một mình, đang đọc một tạp chí. Tờ báo che lấp nửa khuôn mặt. Nghe có tiếng bước gần bên, người phụ nữ nhẹ đặt tờ báo xuống bàn, đứng lên nhìn anh, ánh mắt vui chào đón. Minh sững sờ. Hạnh ở trước mặt anh. Vẫn nước da trắng, vẫn nụ cười tươi, vẫn một nốt ruồi đen nho nhỏ cách khóe môi bên trái 20 ly như anh đã thầm đo lường bằng mắt nhiều lần ngày xưa sau khi hôn nàng. Nàng đưa hai tay ra phía trước. Anh chỉ nói được một chữ khi đưa tay mình nắm lấy hai bàn tay người yêu cũ:
- Hạnh!
- Anh!

Nàng cũng chỉ thốt một tiếng thôi, nhưng hình như hai người đã nói được rất nhiều, nói được tất cả… những nỗi nhớ nhung xa cách. Anh ngẩn người nhìn Hạnh thật lâu. Hơn 30 năm không gặp, anh thầm tính. Nàng vẫn còn nét thanh tú mặc dù qua bao nhiêu tang thương của đất nước, những biến đổi của cuộc đời. Anh không thể dấu được ngạc nhiên, xao xuyến nhìn nàng:
- Hạnh ! Bất ngờ quá, sao anh biết em ở đây ?
Nàng vẫn giọng nói nhẹ nhàng ngày xưa:
- Chuyện dài lắm, em sẽ kể cho anh. Bây giờ em mời anh dùng cơm với em tối nay.

Nàng ra hiệu cho người tiếp viên nhà hàng đến bàn, thông thạo chọn đặt vài món ăn mà một thời xa xôi anh vẫn ưa dùng. Thêm một chai rượu đỏ. Hạnh quả thực làm anh ngạc nhiên. Cô học trò ngày xưa, “người yêu bé nhỏ” của anh, bây giờ lịch thiệp, xã giao như một mệnh phụ. Anh im lặng nhìn nàng rồi ngắm áo nàng đang mặc. Không phải màu thiên thanh “biết anh thích màu trời, em đã ngậm ngùi, chọn màu áo xanh…” câu hát anh vẫn yêu mến trong bài “Bảy Ngày Đợi Mong”, tình yêu học trò. Áo nàng màu xanh rêu, làm tôn làn da trắng, nơi ngực áo có thêu rất khéo vài chiếc lá vàng. Trang nhã, thật hợp cho mùa Thu. Thức ăn và rượu được dọn trên bàn, nàng và anh cùng nâng ly.
Nàng cụng ly anh:
- Em mừng anh trở về thăm Hà Nội.
- Mừng gặp lại em. Anh về để tìm em và gặp con chúng mình.
Anh nôn nả tiếp:
- Em kể cho anh những gì xảy ra cho em từ ngày mình xa nhau.
Nàng nhẹ cười:
- Em muốn anh kể chuyện của anh trước.
Anh trầm ngâm, chưa nói gì. Biết bắt đầu từ đâu bây giờ. Chuyện đời anh bao nhiêu thay đổi, bao nhiêu biến cố, làm sao tóm lược trong ít câu. Nhưng Hạnh lại cất tiếng trước, cho Minh hay những điều anh không ngờ tới:
- Anh không nói nhưng em đã biết đôi chút về anh, anh Minh. Anh là Thiếu tá Không Quân trong quân đội Miền Nam ngày trước. Anh đi sang Mỹ từ tháng tư năm 75. Bây giờ anh là kỹ sư, có một công ty về điện toán với nhiều nhân viên tại San José, tiểu bang Cali. Em được biết anh đã lập gia đình từ khi còn ở Sàigòn. Vợ anh tên Hằng, Bích Hằng. Anh có hai cháu với chị Hằng.
Minh hết sức ngạc nhiên, tròn mắt nhìn nàng. Anh cũng nhận xét nàng đã tế nhị không nói anh thuộc quân đội Ngụy. Anh không hiểu sao nàng biết rõ về anh đến thế. Anh chưa nói được gì, nàng chăm chú nhìn anh:
- Nhưng em không rõ anh quen rồi lấy chị Hằng ra sao lúc ở Sài Gòn, chị đẹp phải không anh?
Minh mỉm cười, thầm nhủ Hạnh cũng như nhiều phụ nữ, thường để ý đến chi tiết về vợ của người tình cũ. Nàng tiếp theo trước khi anh trả lời:
- Em nghe nói các ông Không Quân miền Nam ngày trước hào hoa lắm, khiêu vũ giỏi và toàn chọn vợ đẹp. Đúng không anh?
Minh nói nhỏ như tâm sự:
- Anh “có số” quen thân, yêu rồi lấy học trò. Anh biết Bích Hằng, vợ anh, khi anh dạy trường tư thục Văn Lang Sàigòn, lúc Hằng còn học đệ nhị. Sau khi vào quân đội, anh mới làm đám cưới, hồi anh còn là Trung Úy. Hằng nhỏ hơn anh cả mười tuổi.
Anh nghĩ về số mệnh. Anh có số yêu, rồi lấy học trò thật sao. Rồi như một định mệnh, người con gái nào anh quen thân, yêu mến cũng mang chữ Bích. Bích Hạnh trước mặt anh đây. Rồi Bích Ngọc, Bích Ngà, và sau cùng là vợ anh, Bích Hằng.

Minh thong thả nhắp một chút rượu. Rượu thật ngon. Anh không biết vì Hạnh khéo chọn, hay rượu “chất lượng cao”, hay lòng anh đang vui hội ngộ. Có lẽ do tất cả. Anh nhìn nàng:
- Em đã rõ chuyện của anh rồi. Làm sao em biết chi tiết đến thế, chắc có bạn quen ở bên Mỹ phải không? Bây giờ anh mong được nghe về em.
Hạnh thong thả:
- Em kể cho anh. Khi đất nước chia đôi, gia đình em cũng phân vân, hoang mang. Nhưng một số chú bác và anh họ của em theo kháng chiến từ đầu. Nhiều người có chức vụ cao, nhắn tin về, nói ba em và họ hàng nên ở lại, sẽ được bảo đảm mọi chuyện. Bà Nội và ông bà Ngoại em lúc đó cũng đã già, không chịu rời Hà Nội hay xa quê quán để vào Nam. Thế là cả nhà ở lại. Khi biết em có thai, thày mẹ mắng nhiếc em nhiều. Em cũng tủi thân chỉ muốn chết thôi. Có lúc em định thoát ly, liều lĩnh một mình xuống Hải Phòng tìm đường vào Nam gặp anh, chung sống với anh.
Nàng ngưng lại rồi nói tiếp, giọng như tiếc nuối:
- Sao hồi đó em yếu đuối quá, không dám liều đi tìm anh. Rồi đến lúc tiếp thu Hà Nội, cả nhà mới biết anh Phúc cũng có học, anh đậu Diplome rồi theo cách mạng. Anh Phúc là người của kháng chiến, được bố trí đưa vào thành lo thi hành công tác địch vận nội thành. Kể cả việc tuyên truyền để các thanh niên trốn tránh, không thi hành lệnh động viên. Nếu họ muốn, anh Phúc sẽ cho tổ chức tìm cách đưa ra vùng kháng chiến. Anh Phúc nhận làm người lái xe cho thày em chỉ là một bình phong bên ngoài, để anh bí mật hoạt động các công tác. Sau khi tiếp thu, anh ấy có chức vụ khá cao trong ngành an ninh, và giúp đỡ gia đình em nhiều. Ngày trước, anh Phúc hay dùng công xa của thày em, nhiều lần chở em đi học. Anh ấy hơn em cả 12 tuổi nhưng đã thầm yêu em. Để tránh tai tiếng với những người quen tại Hà Nội, anh Phúc xin thày mẹ đưa em về quê của anh là làng Nguyễn, gần Vân Đình Hà Đông. Rồi anh Phúc xin cưới em, sau đó nhận đứa con của em như con mình! Em với anh Phúc không có được đứa con nào!

Minh nghe nàng kể mà bàng hoàng. Với tâm lý thường tình của đàn ông, anh hơi thầm tức tối với “cái anh tài xế Phúc” ngày xưa. Nhưng rồi anh tự trách mình nhỏ nhen, phân chia giai cấp, ghen tức với người đã giúp Hạnh, đã có tấm lòng bao dung, chịu làm kẻ đến sau, lại còn nuôi dưỡng con anh. Anh nóng lòng hỏi:
- Con anh, con chúng mình tên gì, anh muốn gặp. Em và anh Phúc cuộc sống ra sao?
Hạnh dịu dàng:
- Anh sẽ gặp con. Thày mẹ đặt cho con tên Lộc. Thày tên Thọ, chồng em tên Phúc. Như vậy nhà có đủ Phước Lộc Thọ.
Tim Minh có lẽ trật một nhịp đập khi nghe nàng nói “chồng em”. Nhưng anh nói khôi hài như bản tính mình:
- Nếu em có thêm hai đứa con với anh Phúc thì đặt là Khang và Ninh cho đủ bộ.
Nàng cũng cười, rồi giọng hơi chùng xuống:
- Không phải đặt tên cho con rồi mình đạt được những điều mình muốn anh ạ. Thày mẹ em đã mất. Hai đứa em của em cũng có gia đình đã lâu. Anh Phúc về hưu, sau đó bị tai biến mạch máu não, ngồi xe lăn một thời gian. Anh Phúc mất được hơn hai năm rồi. Trước đó anh Phúc đã giữ nhiều chức vụ trong ngành công an, tình báo. Khi Lộc bắt đầu khôn lớn, cũng được tuyển chọn vào ngành này. Lộc không phải vào Nam đi nghĩa vụ như nhiều thanh niên cùng tuổi. Em cũng cho Lộc biết cha nó là ai sau khi anh Phúc mất được vài tháng. Vì ở trong ngành an ninh, nó tự động đi tìm tin tức về anh qua cơ quan Kiều vận và Tình báo Hải ngoại. Trong thâm tâm, em muốn để chuyện cũ qua đi, anh và em ai cũng đã có hoàn cảnh riêng rồi. Nhưng khi qua thủ tục an ninh, Lộc thấy tên anh trong danh sách xin nhập cảnh, Lộc liền cho em hay. Vì vậy khi anh về, Lộc cho theo dõi mọi di chuyển, mọi liên lạc của anh và cho em biết. Nó cũng mong gặp cha. Lộc cho em rõ chiều nay, anh đã đi về phố cũ, tìm em. Em vui là anh không quên em. Vì vậy em cũng nóng lòng gặp anh. Người thanh niên lúc nãy là nhân viên lái xe cho Lộc.

Minh không ngờ “nhất cử, nhất động” của anh đều có người biết, có người theo dõi. Nhưng anh thở ra nhẹ nhõm. Những thắc mắc băn khoăn của anh đã được giải tỏa.

Đến món ăn tráng miệng, anh thấy nhân viên nhà hàng đem ra một chiếc bánh ngọt khá lớn, thật đẹp, nhưng chắc chắn là hai người không thể nào dùng hết. Anh còn đang bỡ ngỡ thì người tiếp viên nhà hàng đem lại một bình trà nóng, với hương thơm của trà mạn sen, và bốn cái tách để dùng trà. Hạnh nhìn anh thân ái. Nàng cười, vẻ rỡn vui với anh:
- Bây giờ anh sẽ gặp con trai, con dâu và cháu nội.
Nàng đưa tay ra hiệu về phía một bàn nơi cuối phòng phía kia. Một cặp vợ chồng trẻ, thời trang cũng trẻ, cùng một bé gái khoảng chừng ba tuổi đi tới bàn của anh. Anh không ngờ Hạnh thật là tế nhị, đã dàn xếp để anh và nàng tự nhiên hàn huyên tâm tình thật lâu trước khi cho anh gặp mặt người con trai và gia đình riêng của nó. Hạnh giới thiệu:
- Các con đến chào cha. Thảo chắp tay thưa ông Nội đi con.
Minh lặng im, không nói gì được trong giây lát. Mới có khoảng trên mười tiếng đồng hồ từ khi anh đặt chân lên đất Hà Nội thân yêu ngày xưa, mà tình cảm anh có biết bao sao động. Rồi bao nhiêu đột biến, hết ngạc nhiên này đến ngạc nhiên khác xảy ra như trong một giấc mơ, như trong tiểu thuyết, hay truyện trong phim ảnh. Dù thay đổi giờ giấc và đáng lẽ phải buồn ngủ, anh lại thấy mình tỉnh táo lạ thường. Anh hàn huyên với con trai, với con dâu rồi bồng đứa cháu nội trên lòng. Tất cả đều thân mật với anh, không dè dặt, không khách sáo. Hạnh cất tiếng hỏi anh:
- Anh đi về Việt Nam một mình, chị Hằng không đi cùng anh sao? Chị biết chuyện ngày trước của mình không? Anh về có công việc gì nữa không?
Nhiều câu hỏi một lúc, nhưng Minh trả lời thong thả:
- Công chuyện của anh phải đi đây đó, giao dịch nhiều nơi, vợ anh cũng quen rồi. Trước khi kết hôn với Hằng, anh đã cho Hằng biết quá khứ của anh, anh đã có con với em từ ngày ở Hà Nội. Hằng rất hiểu biết, yêu anh nhưng dấu cha mẹ về chuyện này khi lấy anh. Ít ai ngờ kẻ Bắc người Nam sẽ có ngày gặp lại trong hoàn cảnh này. Hằng chỉ thắc mắc không biết có phải anh lấy “Bích” Hằng để thay thế “Bích” Hạnh trong trái tim anh. Còn về công việc, rất có thể trong vài năm nữa Mỹ và Việt Nam sẽ bang giao. Giới tư bản và kinh doanh Hoa Kỳ cũng như nhiều nước khác, đang muốn khai thác thị trường và đầu tư tại Việt Nam vì ở đây đông dân, nhân công rẻ. Ngành truyền thông, điện toán sẽ phát triển nhiều lắm trong những năm tới, nhất là tại Silicon Valley, nơi anh đang ở. Anh về Việt Nam lần này, mục đích chính là để gặp em. Một vài người trong ngành điện tử cũng nhờ anh tìm hiểu thị trường và cơ hội kinh doanh trong nhiều năm tới. Nhưng đó là việc phụ của anh trong chuyến này.

Chuyện trò tới nửa đêm, nhà hàng chuẩn bị đóng cửa. Minh phải chia tay Hạnh cùng con cháu, hẹn gặp lại nhau trong những ngày sau…

CHUYẾN BAY VỀ
Minh rút ngắn chuyến đi, chỉ ở lại Việt Nam một tuần lễ. Anh đã đạt được mục tiêu, gặp và tâm sự nhiều với người yêu cũ, gặp được con anh, giải đáp được những băn khoăn, thắc mắc trong tâm tư từ nhiều năm tháng. Công ty cũng điện thoại mời anh về để ký hai giao kèo quan trọng. Trên chuyến bay từ Hồng Kông về Mỹ, Minh tự thưởng cho mình bằng cách tăng cấp chỗ ngồi. Anh đổi vé máy bay lên hạng nhất, trả tiền thêm với giá cao. Anh thấy cần thư dãn sau hơn một tuần đi đây đó. Chiếc ghế da rộng rãi và thật êm. Chỗ duỗi chân cũng thoải mái. Thời gian bay còn dài, anh thong thả thưởng thức ly champagne khá ngon và thức ăn với muỗng nĩa đẹp do người tiếp viên hàng không trẻ tuổi, duyên dáng đem lại.

Chuyến về, anh có cảm tưởng máy bay êm ái hơn chuyến đi. Có lẽ phi cơ ít gặp những khoảng trống trong không khí hay những thay đổi bất thường của áp xuất khí quyển. Hay tại lòng anh đã vơi đi những băn khoăn. Hay chỗ ngồi quá tiện nghi. Minh ngả hẳn lưng ghế tối đa về phía sau, bấm nút nâng chỗ để chân lên cho vừa tầm nằm, nhắm mắt nhủ thầm sẽ tìm giấc ngủ. Chỗ ngồi này thoải mái, ngả ra tạm thành một chỗ ngủ khá êm.

Nhưng cũng như chuyến đi, tâm trí anh lại suy nghĩ lan man. Anh nghĩ nhiều nhất về Hạnh. Trong suốt thời gian ở Hà Nội, anh và nàng ngày nào cũng gặp nhau, thân ái như hai người bạn thiết. Thế mà anh chỉ một lần hôn môi nàng khi chia tay từ biệt, không hề có hành động về tình dục, về xác thịt nào khác. Nếu tâm sự chuyện này cho mấy người bạn thân “hào hoa” trong quân ngũ của anh ngày xưa, có người không tin. Thế nào anh cũng bị chê là “thỏ dế”, “quân tử Tàu” hay “đạo đức như ông Khổng Tử”. Có thể “thằng bạn thân trời đánh” từ thuở sinh viên, nổi tiếng ăn chơi nhất của anh, sau nó cũng vào không quân cùng với anh, sẽ nói anh “không chịu chơi”. Nó rõ mối tình của anh và Hạnh từ khi còn ở Hà Nội. Mình anh biết sự thực không phải thế. Anh thấy chính Hạnh còn giữ gìn ý tứ hơn anh nữa. Có lẽ nàng muốn tôn trọng hạnh phúc gia đình của anh bây giờ. Anh cũng vậy, đã quá nửa đời người, biết đắn đo suy tính, không còn bồng bột như ngày xưa. Anh không muốn có hành động phản bội vợ mình. Hằng đối với anh đầy ân tình, đầy trọn vẹn của người vợ hiền… Lại nữa biết đâu khi anh ở Hà Nội, lúc nào cũng có người theo dõi. Người cán bộ đầu tiên xem các tường trình, báo cáo chắc chắn lại là … con anh.

Anh nghĩ về Hà Nội, nơi anh còn đầy những kỷ niệm một thời hoa niên. Giai điệu thấm thía truyền cảm qua bản nhạc “Nỗi Lòng Người Đi” của Anh Bằng như còn vang vọng trong thính quan anh. “Tôi xa Hà Nội năm tôi mười tám khi vừa biết yêu …”. Anh rời Hà Nội năm hai mươi mốt tuổi, nhưng sao lời ca diễn tả quá đúng tâm sự của anh lúc vào Sàigòn cuối mùa Thu ấy. Bài nhạc đã xưa, nhưng mỗi khi nghe lại vẫn còn gây nhiều ấn tượng, nhiều rung cảm cho anh. Không có cuộc chiến, có lẽ bây giờ anh đang sinh sống tại Hà Nội, làm công hay tư chức. Có thể làm nghề dạy học, đang có một gia đình đầm ấm, an bình với Hạnh… Đâu có chuyện “cái anh chàng lạnh lùng tên Phúc ấy” đi vào cuộc đời nàng! Bây giờ anh hiểu tại sao ngày xưa Phúc có vẻ xa cách với anh… Với cuộc chiến, nếu không di cư, ở lại miền Bắc, có khi anh đã phải đi nghĩa vụ “giải phóng miền Nam” dù muốn hay không muốn. Có thể anh đã tử thương mất xác nơi trận địa. Trường Sơn, Khe Sanh, Ban Mê Thuột, Hạ Lào… Nếu sống sót, biết đâu anh cũng trở thành “cán bộ cao cấp, quan to súng ngắn” như vài thằng bạn học ngày xưa, anh về mà chưa muốn gặp.

Anh suy nghĩ thêm và cười thầm một mình. Ngày trước, cha của Hạnh nhiều lần dùng công xa và tài xế để đưa đón nàng đi học. Đến lượt anh, thời còn ở Việt Nam, đôi khi cũng dùng tài xế và xe Jeep quân đội của mình để đưa Hằng, vợ anh, đi đến cửa hàng mỹ phẩm của nàng. Lương quân đội của anh làm sao đủ sống. Hằng một thời đã phải buôn bán thêm mới đủ cho ngân sách gia đình. Rồi bây giờ, Lộc, đứa con anh, không biết quyền lực cỡ nào trong ngành an ninh tình báo, cũng dùng nhân viên và cả xe chính phủ để đưa mẹ đến nhà hàng gặp anh ngày đầu, rồi đưa anh và nàng đi đây đi đó trong gần một tuần lễ anh thăm Hà Nội. Thì ra ở đâu cũng vậy. Dù có cải tiến, có cách mạng, dân chủ, độc tài, tự do, tư bản hay vô sản… cũng không thay đổi được gì nhiều tâm lý, suy nghĩ và hành động chi phối bởi bản năng con người …
Anh lại nghĩ đến việc kinh doanh của mình, phân vân suy tính. Công ty điện toán của anh đang phát triển, khiến anh sớm có cơ hội làm chủ nhân một cơ sở vững chắc và một sản nghiệp khá. Vài ông tư bản Mỹ cộng tác với anh, cũng như những cố vấn về phát triển và kế hoạch của công ty, đã đặc biệt khuyên anh phải bành trướng hoạt động kinh doanh tại nhiều nơi trên thế giới, kể cả Trung Cộng và Việt Nam. Mặt khác, mấy người bạn đồng ngũ, từng là tù nhân cải tạo, đang nhắn nhủ anh không nên “làm ăn” gì tại quê hương. Thậm chí, một người bạn thân đã nói sẽ chấm dứt liên lạc với anh nếu anh bành trướng kinh doanh tại Sàigòn.

Anh miên man nghĩ về cuộc chiến, đã kéo dài trên hai thập niên tại đất nước mình. Cuộc chiến nhanh chóng kết thúc ngoài dự đoán của anh và nhiều người. Cuộc chiến mà anh cũng như nhiều người bị lôi cuốn vào, như những con chốt thật nhỏ nhoi trên bàn cờ. Cuộc chiến đã làm biết bao nhiêu người yêu nhau thắm thiết như anh và Hạnh phải xa cách. Bao nhiêu gia đình phải ly tan. Bao nhiêu tang tóc… Và khi máu hết đổ, vẫn còn thật nhiều bất đồng, thật nhiều tranh cãi cho cả người mình lẫn người Mỹ …

Rồi Minh cũng chìm vào giấc ngủ trên máy bay lúc nào không hay. Trong giấc mơ, anh thấy Cali, anh thấy Hà Nội …

Trần Văn Khang
(Trích trong tập Hai Bên Chiến Tuyến)

* Nhạc bản: Trở Về Phố Xưa / Khanh Phương





- MỤC KHÁC
giới tính l Phần mềm l Xem bói l girl xinh vn l Game Hot l girl xinh l GIẢI TRÍ l Trà sữa l mẹo vặt l thủ thuật l sms l Cẩm nang l nhạc chuông l Đọc Truyện
Hosting By Xtgem.com
U-ON bonba9x