blogqn.wap.sh - Trang tải game, phần mềm ứng dụng và giải trí miễn phí!
BonBa9x.Wap.Sh
Thế Giới Giải Trí Cho Mobile
Cho Bạn Và Cho Tôi

Insane
Truyện ngắn

Mặc Cảm

Tác giả: Thái Phương

Ngày ấy không biết đã bao lâu rồi, lúc tôi còn ít tuổi. Tôi rất thích viết tiểu thuyết và từ nhỏ tôi đã mơ sau này trở thành nhà văn danh tiếng, còn danh tiếng để làm gì thì tôi không biết.
Các tác phẩm của tôi có lẽ hay lắm, hoặc ít nhất đối với tôi chúng cũng hay lắm, bởi vì “văn mình vợ người” , ai chẳng tự cho tác phẩm của mình là hay nhất ? Nhưng khi chúng được đăng phơ-ơ-tông trên các báo chí thì tôi thấy tôi … hạng bét. Chẳng ai nói đến, ngay cả những lời phê bình. Tôi vẫn là tôi không hơn không kém!
Thế rồi đùng một cái, tôi nhận được một bức thư của một độc giả ở Rạch Giá gửi tới tòa soạn, nét chữ đẹp như cắt để rõ bút hiệu của tôi thì các bạn bảo tôi không cảm động sao được ? Tôi hồi hộp mở ra coi, trong thư có đoạn viết :
“ Thành thật mà nói, Chi thấy anh viết hay lắm, rất hạp với Chi. Mỗi chiều xe về tới bến, người ta đưa báo đến các sạp, Chi phải mua ngay để đọc tiếp truyện của anh.
“ Tuần trước lên Sài Gòn Chi định tới tòa soạn gặp anh nhưng lại mắc cỡ. Anh thấy đó, Chi nhát chứ đâu có bạo như người ta?
“ Không hiểu tại sao Chi thích lối viết của anh ? Phải chăng vì những nhân vật nho nhỏ, dễ thương , không có âm mưu thâm độc hay tại Chi bắt gặp trong đó chính hình ảnh của mình, chính tâm hồn mình nên dễ thông cảm ? Có chăng , Chi sanh ra trong một gia đình tương đối đơn giản, êm ấm, chỉ khác một chút thế thôi”.
Và sau đó người con gái mà ngoài phong bì đề tên là Lan Chi viết tiếp :
Chi đánh bạo gởi thơ này đến anh với mục đích muốn khuyến khích anh, một cây bút trẻ có nhiều nhiệt huyết nhưng bi đời bỏ quên không ai nhắc đến. Anh hãy yên tâm tiếp tục sự nghiệp văn chương. Khi nào buồn vì sự lạnh nhạt thờ ơ của người đời thì hãy nghĩ rằng miền sông Hậu này anh có một người bạn, một người con gái luôn luôn thông cảm với anh, sẵn sàng chia xẻ niềm vui nỗi buồn với anh.
“Thôi thư đã dài, nhận được thư này mong anh trả lời Chi bằng thư riêng theo tên và địa chỉ đề ngoài phong bì.

Chi muốn đọc thư riêng của anh, thiệt dài Chi mới bằng lòng. Anh coi Chi có ‘khó tánh’ không?
“Và bây giờ thì xin anh cho Chi được phép dừng bút, đón xe về tỉnh để coi tiếp truyện dài của anh. Thân ái kính chúc anh được nhiều may mắn, khỏe mạnh … như voi để viết tiểu thuyết cho Chi đọc. Bao giờ rảnh rang, có dịp về Kiêng Giang chơi, Chi sẵn sàng đón anh với cả tấm lòng”.
Thương nhiều
“Một người đồng điệu”
Ng T Lan Chi
Ôi chao ôi! chữ “thương” được gạch đi, thay bằng chữ “mến”: “mến nhiều”. Và câu cuối cùng nàng viết :”bao giờ anh rảnh rang, có dịp về Kiêng Giang chơi, Chi sẵn sàng đón anh với cả tấm lòng”. Tại sao nàng không dùng tiếng “xuống”: “ xuống Kiêng Giang chơi” mà lại dùng tiếng “về Kiên Giang chơi” , sâu sắc là ở chổ đó, làm như tôi là một người trong gia đình, đi xa trở lại “mái nhà xưa” chứ không phải là một người khách lạ tới thăm xã giao. Ôi, ôi, tôi chết mất, tôi cảm động. Tôi đọc đi đọc lại bức thư đó hàng chục lần đến nỗi nó nát bấy. Rồi đêm hôm ấy tôi thức thật khuya, viết một bức thư dài….mười hai trang. Như một tác phẩm, xé đi viết lại thật nhiều lượt cho đến khi thật vừa ý, sáng hôm sau đi học mới ghé qua bưu điện gởi bảo đảm cho nàng.
Từ những bức thư được gởi đi, tôi luôn khắc khoải trông chờ …
Xin các bạn đừng cười tôi lãng mạn, đa tình đa cảm. Tôi đã nói tôi là nhà văn hạng bét không hề được ai nhắc đến cơ mà ? Ôi, các ông thi sĩ thời tiền chiến ơi, dẫu thế nào chăng nữa các ông cũng có được một Vũ Ngọc Phan, một Hoài Thanh, Hoài Chân, một Trương Tửu để nói đến các ông, phê bình các ông. Đằng này tôi chẳng có ai hết . Tôi múa gậy vườn hoang, cô đơn, chẳng có thước đo, chẳng có những bậc thầy lão luyện chỉ bảo, chỉ mình mình biết lấy mình vậy thôi.

Ngoài ra tôi cũng nghĩ rằng người ta sống ở trên đời, sinh ra với hai bàn tay bé xíu, tiếng khóc oe oe. Rồi lớn dần lên, rồi làm việc, rồi già, rồi chết. Chết thì đem chôn, xong. Hết. Nhưng trong lúc sống và làm việc đó, mình có trí óc, mình có trái tim, mình có tình cảm. Trí óc để phân biệt điều tốt xấu, những điều đáng làm và những điều không đáng làm. Trái tim để biết yêu thương và chút tình cảm nhỏ bé để dành, cho nhau, trong nhau. Tôi làm việc, nghĩa là tôi đi học, năm thứ ba lên năm thứ tư đại học, vừa học vừa viết tiểu thuyết, muốn chết cha luôn. Có chăng, trái tim tôi ấm lại, tôi mơ thấy một người con gái ở tận Rạch Giá với cái tên Lan Chi nào đó rất đẹp và rất dịu hiền …
Hai tuần sau thì tôi nhận được thư hồi âm của nàng. Lần này Lan Chi của tôi viết dài hơn, tám trang, bốn tờ giấy mỏng, nét chữ vẫn đẹp như cắt, lời lẽ đậm đà hơn, tha thiết hơn, thân mật hơn.
Cứ thế thư đi thư về đều đặn gần hai năm trời. Tôi kể cho nàng nghe nhiều điều, nàng kể cho tôi nghe nhiều điều. Tôi nói rằng ít bữa nữa tốt nghiệp, được bổ dụng đi dạy tôi sẽ cố gắng xin về Rạch Giá và đến thăm nàng.
Lan Chi im lặng không viết cho tôi nữa. Trước khi im lặng nàng bảo rằng tôi mắc chuẩn bị lo thi cử, nên chú tâm vào việc học. Thôi rồi, con chim nhỏ bay đến nó lại bay đi, chỉ còn mình ta thôi, ta cứ bị đá lên đá xuống đau muốn chết. Thèm những nét chữ, thèm chiếc phong bì thơm mùi giấy.
Hè năm đó, thi xong tôi đánh điện tín xuống báo cho Lan Chi biết ngày tôi sẽ đi Rạch Giá, coi như nghỉ ngơi sau khi tốt nghiệp.
Tìm đến địa chỉ, một tiệm ảnh rất lớn ở đường Hàm Nghi, bà chị - tôi đoán là bà chị vì bà còn rất trẻ, rất mập, khá đẹp – cho biết Lan Chi về bên quê ngoại ở quận Sông Ông Đốc.
-Thưa chị cho em biết đường vô Sông Ông Đốc
-Không được đâu, nó dặn vô trỏng khó lắm, nhà ở trong đồng hổng kiếm được.
-Tại sao Lan Chi lại tránh mặt em ? nếu Lan Chi cho phép, cả cái quận Sông Ông Đốc đó em sẽ lặn lội không chỗ nào là không tìm ra.

Người chị nhíu mày có vẻ thương hại:
-Dữ vậy kia đấy. Bộ thương con nhỏ đó hả ?
-Em không biết nhưng em xuống đây với mục đích gặp Lan Chi.
-Hừ! kỳ cục. Chị hổng hiểu gì hết. Tại con nhỏ đó nó dặn chị nó vô Sông Ông Đốc xong có thể đi Cần Thơ, lên Cái Răng, Cái Tắc gì đó thăm mấy đứa bạn, chị không biết địa chỉ.
Năn nỉ thế nào cũng không được, có lẽ chị rất thành thật, cuối cùng tôi đành trở lại khách sạn, sáng hôm sau về sớm. Tôi thất vọng như anh chàng bị “bồ” đá. “Bồ” chứ không phải “bò” . Bồ đá mới đau, bò đá không đau và một thanh niên như tôi không mấy khi dại dột đứng gần con bò để bi nó đá. Tôi tự hỏi phải chăng Lan Chi xấu ỉnh, cái tên không giống với người nên … mắc cở, cố tình lánh mặt ? Hừ, xấu với đẹp thì ăn nhằm gì, tôi có công xuống cứ cho tôi gặp cái đã rồi sẽ tính sau có phải tốt hơn không ? Con gái ác lắm, toàn nghĩ theo cách nghĩ của mình mà chẳng thương ai cả.
Năm năm sau, tôi xuống Rạch Giá lần nữa. Lần này đi với mấy tên bạn xuống dự đám cưới một anh chàng thầy giáo ngày trước cùng học với chúng tôi suốt bốn năm trong đại học. Hắn dạy ở Rạch Giá, quê cũng ở Rạch Giá.
Chúng tôi được xếp ngồi cùng bàn với một phụ nữ rất đẹp. đứa con trai nhỏ của bà ta rất xinh.
Một người đàn bà đẹp thì đến bốn mươi tuổi vẫn cứ còn đẹp. Một nhà văn người miền Nam nói chuyện với tôi rằng, theo ông nghĩ, qua các tác phẩm hoặc các chứng minh lịch sử, chỉ những người "đàn bà" tức những người đã trên cái tuổi mười tám đôi mươi mới làm nghiêng ngửa ngai vàng của các ông vua, làm mất cơ nghiệp của người đàn ông chứ mấy cô gái mới lớn, mười sáu mười bảy tuổi, còn kêu chíp chíp thì không ăn nhằm gì. Người phụ nữ đẹp, lớn tuổi, nhan sắc đậm đà, ăn nói phải chăng, dễ làm say đắm lòng người ta hơn. " Thế bác bảo không có con gái đẹp thì làm gì có đàn bà đẹp? " - " A, cái đó lại là chuyện khác, không ăn nhập gì tới vấn đề này". Vâng, không ăn nhập gì tới vấn đề này nhung quả thật tôi thấy người đàn bà ngồi bên cạnh tôi rất đẹp. Tôi chưa từng gặp một người nào đẹp như vậy ngoại trừ trong các phim ảnh!
- Thưa! bé tên gì cơ ạ?

- Dạ, cháu tên Hoài Giang. Lê Nguyễn Hoài Giang. Ba cháu họ Lê còn tôi họ Nguyễn.
Thiếu phụ họ Nguyễn, quê ở Rạch Giá? Đứa bé lại tên Hoài Giang... Trời đất ơi! ruột tôi thắt lại vì hồi trước Hoài Giang chính là bút hiệu của tôi viết trên các báo.
Tôi tái mặt nhưng cố gượng cười, lắc đầu:
- Ông bà đặt tên em bé khéo quá. Ngày trước tôi cũng có người bạn làm nghề viết văn, bút hiệu Hoài Giang...
Thiếu phụ nhíu mày suy nghĩ:
- Thưa dường như ông ở Sài Gòn xuống dự đám cưới?
- Vâng.
- Chắc ông làm nghề dạy học, bạn với cậu Lộc?
- Vâng. Chúng tôi với "chú rể" ngày trước là bạn cùng lớp, học chung đại học sư phạm.
Người phụ nữ mỉm cười, ánh mắt rực rỡ như có điều gì bí ẩn:
- Cậu Lộc là cậu ruột tôi. Hồi nọ thỉnh thoảng cậu vẫn nói chuyện với tôi về ông.
"Nói chuyện với tôi về ông"? Trời đất ơi, vậy thì còn xa lại gì nữa? Cái thằng chó chết Lộc ngu xuẩn thật, tại sao nó cứ im như hạt thóc không cho biết nó là cậu ruột cô cháu gái xinh đẹp này?
- Người bạn ông trước học ở đâu? có phải ổng viết tiểu thuyết trên tờ TC không?
Tôi cay cú, làm mặt lạ:
- Dạ không, tôi không biết nhưng biết nó là một kẻ bất hạnh, đến trước mà chẳng được gì cả. Lỗi đâu phải tại nó? Nếu nó có lỗi tôi sẽ bảo nó đập đầu xuống đất chết quách đi cho rồi, không nên sống nữa.
Thiếu phụ cúi mặt, chớp mắt, giọng nói như cơn gió thoảng:
- Dạ, lỗi tại tôi, hổng phải tại ảnh.
Tôi cáu:
- Tại bà quá đi mất ấy chứ còn gì nữa? Nó đã xuống đây một lần không được gặp bà.
- Dạ tôi hiểu.
- Tại sao bà tránh mặt nó như vậy?

- Ông thử nghĩ coi, ảnh sinh viên cử nhơn sắp tốt nghiệp đại học, tôi cô giáo làng; ảnh nhà văn, tôi tầm thường; ảnh người Bắc, tôi người Nam; chung sống với nhau sao được?
- Hừ, bà nghĩ lẩn thẩn! nếu bà biết rõ lợi thế của mình, xin lỗi bà....bà biết bà đẹp như thế này, nó không đáng xách dép cho bà!
- Ông dạy quá lời. Tôi chỉ là cô giáo tỉnh nhỏ.....
- Ông dạy quá lời. Tôi chỉ là cô giáo tỉnh nhỏ.....
- Trời đất ơi, cái tỉnh Rạch Giá này mà bà bảo nhỏ? Bà nên nhớ ngày trước cụ Nguyễn Đình Chiểu đã từng viết những câu thơ danh tiếng vang lừng thiên hạ về tỉnh Rạch Giá :"Hỏa hồng Nhật Tảo oanh thiên địa. Kiếm bạc Kiên Giang khốc quỷ thần", vậy mà bà bảo nhỏ là sao được?
Thiếu phụ bật cười:
- Khẩu khí của ông lớn lắm, tôi cãi không nỗi. Hồi đó nhận được điện tín ảnh sắp xuống thăm, tôi trốn về sông Ông Đốc...
- Tại sao bà làm như vậy?
- Tôi đã giải thích với ông, tôi bị mặc cảm.
- Bà thật ngốc nghếch, điên khùng! Đáng nhốt bà vào nhà thương điên Biên Hòa!...
- Ông chửi tôi đấy ư? Thế sao ông nói ông tôn trọng tôi?
Tôi giật mình, ngạc nhiên, hối hận:
- Ấy chết, xin lỗi, tôi không dám nghĩ như thế.
- Được, cứ chửi nữa đi, tôi đang muốn nghe.
Và bà ta thở dài, giọng nói êm như cơn gió:
- Nghe nhiều cho đỡ ân hận. Tôi rất thương ảnh!
- Một người đẹp như bà mà biết thương ai bao giờ? Nếu thương đã chẳng tránh mặt.
- Có đấy, ít nhất cũng thương một người...Nhưng bây giờ mọi việc đã thay đổi, tôi đã làm mẹ, làm vợ, có bổn phận riêng, hối hận cũng không được nữa. Tôi chỉ mong một điều rằng...ảnh hiểu lòng tôi đặng trả cái ơn ảnh xuống thăm mà không gặp. Ông về Sài Gòn muốn nói chuyện với ảnh cũng được, không cũng được, tôi nói với ông là được rồi, yên tâm lắm rồi. Tôi vẫn thương ảnh như thời còn con gái.

"Tôi vẫn thương ảnh như thời còn con gái". Người đàn bà này biết tôi là ai ư? Nàng linh cảm thấy điều đó hay do thằng cậu ruột chó chết tiết lộ? Trời ơi, tôi nhìn nàng, nhìn gương mặt dịu dàng duyên dáng với nét chữ đẹp như cắt ngày xưa và...tôi tiếc, vâng tôi tiếc ngơ tiếc ngẩn bởi vì đã bao lâu nay đời tôi trôi theo cơm áo, tôi chưa nghĩ tới việc lập gia đình. Bây giờ gặp nhau đây thì đã muộn. Đã quá muộn màng. Bữa tiệc dần tàn, thiếu phụ đứng dậy, dặn tôi lần chót:
- Ông về trển nhớ nói tôi dặn ảnh hãy lấy vợ đi, đừng nghĩ tới tôi nữa. Cuộc đời còn dài, không phải chỉ một người con gái đó mới biết thương ảnh.
Tôi im lặng. Tôi ngửng lên và tôi thấy nàng là người đẹp nhất trên đời. Vâng, đối với kẻ khốn khổ này, nàng là người đẹp nhất trên đời mặc dù đã có chồng có con.
Đêm ấy tôi ngồi một mình trên chiếc băng đá trong ngôi nhà thủy tạ làm chìa ra bên cạnh dòng sông lớn chảy qua giữa tỉnh Kiên Giang. Lòng tôi hóa đá, hơi nước từ lòng sông đưa lên lạnh ngắt trên mặt và trên bầu trời tôi thấy có những ngôi sao mờ nhạt, cô đơn. Tôi muốn nhảy xuống sông chết quách cho rồi. Tôi có lỗi lầm gì đâu cơ chứ, sao tránh mặt tôi mà đi lấy chồng?
Một chiếc vespa chiếu ánh đèn chói chang chạy vô, đứng lại, tắt máy, một người thanh niên khoá xe đi vô, tay lúc lắc chùm chìa khoá cho tôi nghe thấy. Đó là thằng Lộc, cái thằng “chú rể” im như hột thóc tôi chẳng nhờ vả được gì cả.
Nó đến bên tôi:
-Ê chó con! Tao tưởng mầy đâm đầu xuống sông rồi chớ?
-Không, tao hãy còn sống.
-Sống mà cái mặt mầy chầm bầm như con chó bị cắt mất đuôi. Lại còn bày đặt hút thuốc lá liên tu nữa. Cái gói của mày đã gần hết một nữa!
-Chứ mày bảo tao phải làm sao? Không lẽ tao nhảy xuống sông?

Hắn ngồi xuống bên cạnh tôi:
-Có, tao có nghe nói con Lan Chi nhà tao nói chuyện, lỗi tại nó, tao vội vàng chạy ra khách sạn, tụi nó nói mày đi lang thang vớ vẩn có lẽ định nhảy xuống sông, tao bèn ra đây kiếm mày.
-Mày không ở nhà làm “công việc”?
-“Công việc” là một chuyện mà lo lắng cho bạn bè lại là chuyện khác. Tao muốn nói với mày ….
-Nói gì?
-Thôi đừng buồn nữa mày à. Tao biết tụi mày liên lạc với nhau thơ từ mấy năm trước, nhưng tất cả là tại duyên số, mày không có duyên với nó…
-Mày cũng tin vào duyên số? Mày khuyên tao cũng như khuyên một đứa con nít. Nên nhớ mày không phải là “cậu ruột” của tao!
-Ủa, tao đã nói gì đâu mà mày nổi sùng? Tao không thèm khuyên mà muốn nói rằng bà chị ruột tao không phải chỉ có một mình con Lan Chi, còn con em út nó nữa, xinh hơn con Lan Chi. Nếu mày muốn làm rể Rạch Giá tao sẵn sàng “bồi thường” cho mày. Cái đó kêu là “tình chị duyên em” giống y bon trong tuồng cải lương. Tao cư xử như vậy là “người lớn” quá rồi chứ còn gì nữa? Chính con Lan Chi biểu tao ra đây….
Thôi thì bông hoa đã rụng cũng ráng giữ lấy một chút hương. Tôi lưỡng lự:
-Nhưng…nhưng biết có được như Lan Chi không?
-Tại sao lại không? Mày ngu lắm, khi người đàn bà đã đổ chiếc bánh cùng một cái khuôn tới lần thứ ba thì nhất định cái bánh thứ ba phải hoàn bị hơn hai cái trước. Tao sợ mày buồn sáng mai tụi bây dông sớm nên phải lật đật tranh thủ ra đây báo cho mầy biết. Rồi, xong, công việc của tao xong, “dìa” còn lo mần…chuyện khác. Nếu muốn tụi bây ngày mai khoan về, cứ việc ở lại tới tao ăn cơm thân thiện chung cả gia đình do chính tay con cháu út tao làm. Tụi bây thích ăn cá bông lau nấu canh chua, Rạch Giá quê hương tao không thiếu gì cả!
-Được, tao sẽ năn nỉ tụi nó, sáng mai ở lại!
-Tao năn nỉ rồi, tụi nó chịu rồi. Khoảng chín giờ sáng mai đến, trưa mai ăn cơm.
-Ừa.

Hôm sau chúng tôi đến. Quả đúng như lời thằng cậu ruột nói, “chiếc bánh thứ ba” rất đẹp. Cũng giọng nói, tiếng cười, tươi trẻ, cởi mở và thích liến thoắng chuyện trò về những tác phẩm đã xuất bản của tôi. Ôi Homer không ngủ gật. Cách ngôn tây phương có câu: “Thánh cũng có lúc ngủ gật” – “Homer sometimes nods” - nhiều khi ông ta đem hết công sức ra làm chiếc bánh thứ nhất hay chiếc thứ hai rất đẹp, đến chiếc thứ ba thì mệt quá, ngủ gật, làm đại cho xong. Đằng này ông ta không ngủ gật, càng “chế tạo” càng đẹp và càng hoàn chỉnh hơn những chiếc trước.
Lan Chi vui vẻ hỏi nhỏ:
-Sao, thấy em “tui” đẹp không?
Tôi mỉm cười gật đầu:
-Đẹp. Rất đẹp. Lại tự nhiên nữa. Tôi hy vọng hè này xuống người ta sẽ không trốn về … Sông Ông Đốc như bà chị ruột!
-Chắc chắn như thế. Có đứa em nào lại ngu ngốc không tránh vết xe đổ của chị nó? Em tui ít tuổi, “hiện đại”, nhứt định phải khôn hơn tui…
Hôm sau chúng tôi ra về, người ta đưa tiễn. Ngồi trên xe đò, tôi mỉm cười sung sướng và một ý nghĩ ngộ nghĩnh tự nhiên bỗng thoáng qua trong đầu óc tôi:
-Lần này vái lạy các bà các cô, xin đừng mặc cảm cái kiểu như vậy cho “tụi tui” nhờ!
Ủa, mà “các cô” chứ “ các bà” sao được? tôi nói lộn. Tính tôi lẩn thẩn vẫn hay lầm lộn như vậy. Cuộc sống thật tốt đẹp.



- MỤC KHÁC
giới tính l Phần mềm l Xem bói l girl xinh vn l Game Hot l girl xinh l GIẢI TRÍ l Trà sữa l mẹo vặt l thủ thuật l sms l Cẩm nang l nhạc chuông l Đọc Truyện
Hosting By Xtgem.com
U-ON bonba9x