Duck hunt
blogqn.wap.sh - Trang tải game, phần mềm ứng dụng và giải trí miễn phí!
BonBa9x.Wap.Sh
Thế Giới Giải Trí Cho Mobile
Cho Bạn Và Cho Tôi
Truyện ngắn
Văn băn khoăn không biết nên ghé nhà Thụy một chút hay vào bệnh viện. Hắn đạp xe loanh quanh khu vực bệnh viện Bình dân. Con đường Phan Thanh Giản lúc chập choạng bắt đầu nhộn nhịp những sinh hoạt của buổi tối. Dịu dàng, mát mẻ. Tiếng loa phát thanh từ phòng thông tin phường khóm nào đó oang oang bản nhạc “Trường sơn đông, Trường sơn tây” quen thuộc. Bài hát mềm không chịu được. Văn vẫn nhớ Định—lại vẫn Định, cái thằng bạn tiểu tư sản ấy, phản động (“cùng hung, cực ác”) nhưng tốt với bạn hơn bất cứ chiến sĩ cách mạng nào—đã hát bản nhạc này trong một buổi sinh hoạt tổ chung với các sinh viên Y khoa năm thứ hai, khi đi công tác thủy lợi ở khu kinh-tế mới Lê Minh Xuân. Bài hát dài bắt đầu bằng câu “Cùng mắc võng trên rừng Trường sơn, hai đứa ở hai đầu xa thẳm...” Định chẳng sửa lời cũng chẳng đổi nhạc. Giữa lúc đám khán giả nam, nữ sinh viên lẫn lộn, ngồi thành vòng tròn chờ hắn hát, hắn ậm ừ bắt giọng, rồi thản nhiên ca mỗi một câu đầu: “Cùng mắc võng trên rừng Trường sơn, hai đứa ư ử... ư ử... ư ử... Xin lỗi, tôi quên mất rồi.” Hắn “ư ử” một lát rồi mới ngưng. Khán giả như hụt hẫng một chút rồi vỗ tay cổ võ rào rào. Trên mặt khán giả sinh viên lúc ấy có đủ các màu sắc: Đỏ hồng e thẹn (Ơi con gái Sài gòn, dễ thương làm sao!) trắng bệch kinh ngạc (các nữ đoàn viên tiên tiến ơi, giận dữ mà chi!) tím ngắt giận dữ (các đồng chí ơi, các đồng chí “đỏ” hơn cả cộng sản chính hiệu nữa!)

Sau buổi văn nghệ, Định bị mời đi sinh hoạt riêng với đồng chí lớp phó (hay phó lớp). Đám bạn đã phập phồng lo cho số phận của Định. Dù gì cũng đã học xong năm thứ năm. Rán một năm nữa, ra trường rồi muốn làm gì thì làm. Chọc giận bọn họ lúc này có lợi gì đâu, mà coi chừng còn bị đuổi khỏi trường về cho địa phương quản lý, thì sớm muộn gì cũng được đi Kampuchea làm nghĩa-vụ quốc-tế.

Sau buổi sinh hoạt riêng về, Định kể lại cho đám bạn nghe, ai nấy cười vỡ bụng. Đồng chí lớp phó là nữ sinh viên (lại nữ!) hỏi Định, “Động cơ nào đã thúc đẩy anh xuyên tạc lời bài hát vậy?”

Định ngơ ngác, “Tôi có xuyên tạc gì đâu.”

Lớp phó nghiêm khắc, “Anh đồi trụy hóa bài hát.”

“Bằng cách nào?”

“Anh làm sai lạc ý của tác giả.”

Định bối rối (thật hay đóng kịch? Khó lòng mà tin được bọn trí thức tiểu tư sản.)

“Chị hiểu lầm ý tôi.”

“Không phải chỉ mình tôi, mà tất cả mọi người cùng hiểu như vậy.”

“Hiểu thế nào?”

Cô đoàn viên cố giấu vẻ bực bội, “Ý tưởng hủ hóa trong cách trình diễn của anh.”

Định khẽ lắc đầu, “Tôi không hiểu nổi chị muốn nói cái gì. Tôi hát đúng với lời của bài hát. Này nhé,” hắn hát lại câu đầu của bài hát, “Cùng mắc võng trên rừng Trường sơn...”

“Đừng!” Người con gái hoảng hốt xua tay như sợ Định sẽ chồm qua chiếc bàn giấy mà ôm chầm lấy nàng.

Định ngạc nhiên, “Như vậy là chị muốn xuyên tạc ý của tôi cũng như của tác giả?”

Cô gái vừa bực bội vừa mắc cỡ. Định biết rõ như thế, hắn liều lĩnh bồi thêm, “Tôi biết rồi. Chị không thích cái đoạn ư ử... ư ử... chứ gì?”

“Đúng vậy!”

Đôi má cô đoàn viên trắng xanh vì giận (hay vì e thẹn?)

Định lừng khừng, “Điều đó cũng tự nhiên thôi.”

“Cái gì tự nhiên?”

“Cái ư ử... ư ử... chẳng phải riêng gì tôi, mà gặp trường-hợp chị, chị cũng phải ư ử... ư ử... mà thôi.”

Má nàng đổi sang màu đỏ hồng. Nàng gỡ chiếc kính cận ra chùi vào vai áo, như chùi sạch những bối rối, lúng túng. Định thấy những ngón tay nàng run run. Nàng đeo kính, khoanh hai tay trước ngực, mím môi với Định,

“Anh... quá lắm. Tôi sẽ báo cáo lên chi đoàn.”

Định chột dạ nhưng vẫn giữ vẻ thản nhiên, “Tùy chị. Nhưng theo tôi thấy thì chuyện đó quá bình thường. Khi nói chuyện, nếu tìm không ra đúng chữ để diễn tả, người ta hay ậm ừ. Khi hát cũng vậy, nếu chợt quên lời bản nhạc, thì chỉ còn cách ư ử... ư ử... thôi.”

Dấu vết nụ cười phảng phất trên môi nàng. Định biết nàng đang cố giết nụ cười ấy. Nàng lặp lại câu nàng mới nói, giọng mềm hơn một chút, “Anh... quá lắm!”

Định tấn công tiếp, “Tôi bình thường.”

Mặt nàng đỏ đặm thêm. Định tiếp, “Và tôi biết chị cũng bình thường.”

Buổi sinh hoạt chẳng đi đến đâu, nhưng Định đã trở thành nổi tiếng với bản nhạc “Trường sơn đông, Trường sơn tây.” Sinh viên năm thứ năm và sinh viên năm thứ hai mỗi lần nghe bản nhạc này đều nhớ tới Định; như Văn lúc này đây.

Văn lừng khừng trước cổng bệnh viện, không biết nên vào ngay hay nên ghé thăm Thụy trước. Chỉ ghé một chút thôi, (cho yên tâm vậy mà. Bốn hôm nay không gặp nhau. Xa xôi, chỉ vừa đủ để nhớ nhau, chứ đừng xa đến nỗi làm cho quên nhau. Hắn vẫn dặn dò “con bé” như thế. Và lần nào nàng cũng gật đầu, ngoan ngoãn, dễ thương.)

Văn nhún vai, quyết định dắt xe vào bệnh viện. Bốn ngày ba đêm không gặp Thụy, Văn thấy nhớ nàng quay quắt. Hắn nhớ tất cả của nàng. Từ cái cau mày dễ thương không tả nổi, đến đôi mắt hiền không chịu được, qua cái mùi nhẹ nhàng, gây gây của tóc; kế đến là cái lưng thon (những người thắt đáy lưng ong, vừa khéo chiều chồng, vừa khéo nuôi con.) Và sau cùng là đôi bờ ngực đầy vun (“một chút căng căng, vài chút mịn” như câu thơ ai đó viết ngày xưa.) Về Thụy, hắn chỉ biết có bấy nhiêu. Nhưng bấy nhiêu thôi cũng đủ làm hắn mê muội, như bị bỏ bùa, bị mồi chài, phù phép, trù ếm.

Ở cái lứa tuổi vô cùng sung sức này, lại đã yêu nhau có trên bốn năm trời đăng đẳng; đi chơi với nhau có đến cả trăm lần rồi, mà hắn chỉ biết có bấy nhiêu thôi về người yêu quả cũng lạ. Tụi bạn trời đánh vẫn chọc ghẹo, moi móc đủ điều về cái tình yêu platonique của hai người. Có đứa, như gã mắc dịch họ Diệp (anh chàng ba tàu học chuyên khoa Sinh-lý-học) lúc nào cũng đem những lý-thuyết về sinh lý cơ thể phối hợp với mớ lý-thuyết ngụy tạo của chính đương sự ra để thuyết phục Văn; nào là đàn ông muốn cho đầu óc quân bình và phụ nữ muốn bảo vệ nhan sắc, thì phải có quân bình về tình dục (“khí tồn tại não” v.v.) nào là lớp tế bào niêm mạc cổ tử cung phụ nữ cần hấp thu chất dinh dưỡng từ tinh trùng vân vân... và v.v.

Nó cứ lèo nhèo những lý thuyết lăng nhăng như thế, để thuyết phục Văn “tới luôn,” đến nỗi có lần Văn đâm ra nổi nóng, văng tục. Anh chàng ba tàu họ Diệp chỉ cười trừ mỗi lần bị Văn cự nự.

Có nhà chuyên viên gỡ rối tơ lòng nào đó đã trả lời nước đôi cho một cô nàng, khi nàng hỏi phải làm thế nào khi đi chơi với chàng mà bị chàng nài hoa ép liễu. Nhà chuyên viên lý luận: Nếu chàng yêu nàng thực tình thì chàng sẽ không nỡ đòi... cho bằng được, khi mà nàng không muốn. Đồng thời, nếu nàng thực sự yêu chàng, thì trong những trường-hợp như vậy, nàng sẽ chẳng nỡ từ chối chàng (cả cuộc đời còn cho được, huống chi... cái đó.) Thật là lôi thôi. Văn thì nghĩ khác. Hắn muốn để dành. Chỉ có vậy thôi! Nói vậy không có nghĩa là Thụy đã sẵn sàng cho phép. Một đôi lần, Văn cũng tính chuyện “hành quân đêm” (tên một bài hát của Quân đội Nhân dân) và làm một cuộc khởi nghĩa giành chính quyền, nhưng lần nào cũng vậy, bàn tay của Văn (“cái tay của anh dễ ghét quá à!”) không bao giờ luồn xuống thấp hơn ngực nàng được quá một gang tay. Dù mê muội đến mức nào, Thụy bao giờ cũng tỉnh thức đúng lúc, và đánh thức hắn ra khỏi cơn say men chiến dịch. Những lần như thế, hắn bần thần ngưng lại ở lằn ranh ngưng bắn của vùng phi quân sự.

Ơi cái vùng phi quân sự chết người!

Yêu nhau hơn bốn năm trời, chả bao giờ hai người nhắc đến chuyện ấy cả. Nàng bao giờ cũng “đừng,” “thôi mà,” vân vân và vân vân... nghe riết đâm ra quen thuộc. Đôi khi, Văn mang trong đầu ý nghĩ về một cuộc tình không trọn vẹn. Chỉ tưởng tượng ra cảnh Thụy đi lấy chồng (thằng khốn nào đó!) là hắn đã thấy nhói trong lồng ngực, như thể bị bàn tay tinh nghịch nào đó bóp nhẹ lấy trái tim. Hắn cảm thấy dễ chịu hơn khi hình dung ra cảnh Thụy chết, hoặc hắn chết; bằng không hai người phải lấy nhau. Nhưng biết làm sao mà lấy nhau được khi mà trong tất cả những giám khảo có tên trong tờ đăng ký hộ khẩu nhà nàng (bố, mẹ, hai cô em gái, bốn cậu em trai, và nàng) chỉ có một mình nàng là cho hắn điểm cao. Số mạng của cuộc tình đúng là chỉ mành treo chuông, bởi vì nàng lệ thuộc nặng nề vào bố mẹ (và lũ em, dĩ nhiên). Nàng cặp với hắn, lén lút đi chơi với hắn, lặn lội đạp xe hàng chục cây số xuống nhà hắn chơi, ngồi trên căn gác vắng nghe hắn đàn guitar, đờ người ra khi hắn hôn lên môi, và cuống cuồng khi hắn toan xâm nhập vùng phi quân sự. Tất cả những chuyện ấy, mẹ nàng hoàn toàn không biết. Mà bà cần gì biết những chuyện ấy. Ngày xưa bố nàng và mẹ nàng thì cũng chừng ấy sinh hoạt (hay là các cụ bị cha mẹ xếp đặt, bắt ngồi bên nhau, và chỉ biết mặt nhau buổi tối hôm động phòng?)

Tóm lại, mẹ Thụy—cũng như ông bố hiền như bụt—hoàn toàn không biết gì về chuyện yêu đương của Văn và nàng. Các ngài cứ ngỡ rằng hai người là bạn học, các ngài mà biết họ đã là tình nhân tự thuở nào thì kể như xong; hết mọi chuyện.

Khi Văn vào đến phòng trực thì giờ làm việc hành chánh đã chấm dứt từ lâu. Bác sĩ trưởng trại đã ra về, để bắt đầu làm phòng mạch chui. Toán y tá trực đêm đã nhận bàn giao bệnh nhân xong. Văn uể oải khoác lên mình chiếc áo blouse trắng có năm ngôi sao thêu bằng chỉ đỏ trên miệng túi áo, và buông mình nằm trên chiếc giường nệm trải drap màu trắng nhờ nhờ dành cho sinh viên trực. Đêm nay, Văn trực cấp cứu ngoại khoa; một bộ phận được xem như bận rộn nhất bệnh viện. Thời buổi nhiễu nhương, người ta giải quyết nỗi buồn thời thế bằng cách đắm mình trong men rượu, mà rượu thời nay cũng theo bánh xe lịch-sử để biến thành một thứ nước uống cháy cổ. Nghĩa là rượu chỉ còn giữ lại được mỗi một cái tên. Rượu vào, lời ra; người ta khích bác nhau, sinh đánh lộn, đâm chém, phải đưa vào bệnh viện cấp cứu. Hoặc uống rượu say, đi đứng lạng quạng, bị xe đụng, hay lái xe đâm vào người khác... Đã thế, đám con buôn còn làm cho rượu trở nên trong vắt bằng cách pha thêm thuốc rầy. Người uống bị ngộ độc, phải đưa vào bệnh viện cấp cứu... Tất cả đều làm cho bác sĩ, sinh viên và y tá trực bận rộn suốt đêm.

Văn vươn vai ngồi dậy. Bây giờ còn ít bệnh nhân (giờ này dân nhậu mới khởi sự nhập tiệc, khoảng vài tiếng nữa mới có người xỉn), Văn nảy ra ý nghĩ ghé thăm Thụy. Thời giờ chẳng có mấy, chắc chẳng nói chuyện gì được nhiều. Mà ở nhà nàng thì nói chuyện gì khác được ngoài chuyện trường, lớp, học, thi, thực tập, ra trường... toàn những chuyện phi chính trị, vô giai cấp, vô tội vạ cả.

Nhưng Văn chỉ cần nhìn thấy Thụy là đủ. Cái nhìn như nguồn năng lực (hay nhiên liệu) tiếp tế cho chiếc xe chạy đường trường mệt mỏi, rã rời.

Văn đẩy cửa phòng trực bước ra ngoài. Cái phòng trực nhỏ bé như chiếc hộp con xinh xắn, chỉ vỏn vẹn có hai chiếc giường sắt dành cho sinh viên trực. Thường mỗi phiên trực có hai sinh viên. Nếu là cùng phái, họ sẽ ở chung phòng; nếu khác phái, cô nữ sinh viên sẽ đi tìm phòng khác để ngủ đêm. Văn lẩm bẩm nguyền rủa thằng bạn trực cùng phiên. Thằng Châu mắc dịch; tới giờ này mà vẫn chưa vác xác tới bệnh viện.

Văn nhìn lướt qua phòng cấp cứu. Những chiếc bàn cũ kỹ, vừa dùng làm chỗ khám bệnh, vừa dùng làm chỗ tiểu giải phẫu, vẫn còn trống trải. Người nữ y tá lơ đãng ngồi trước tập hồ sơ bệnh lý bệnh nhân ngoại chẩn dầy cộm. Đang loay hoay không biết làm cách nào để bỏ phòng trực, lặn đi thăm Thụy, thì Văn bỗng thở phào, khoan khoái. May quá! thằng Châu đã đến. Châu “kingkong” với dáng bệ vệ như con đười ươi, phản ảnh trung thực cái biệt danh rừng rú, lừng lững đi vào phòng cấp cứu, nheo mắt với cô y tá, trước khi cất tiếng chào Văn, “Khỏe không ông thày?”

Văn nhập đề ngay, “Khỏe. Ê Châu, ông coi dùm nửa tiếng, tôi đi thăm bà xã một chút.” Văn nheo mắt với Châu sau câu nói. Và không đợi Châu trả lời, hắn quay ngay trở vào phòng trực, cởi chiếc áo blouse trắng, quăng đại vào góc giường, và lẻn ngay ra ngoài.

Châu nói vọng theo, giọng diễu cợt, “Bon chen cho đã đi. Mười lăm năm sau, tao cặp đào hai chục tuổi, lúc đó em của mày đã ngoài bốn mươi; sắp ménopause. Lúc đó hối hận thì đã muộn nghe con.”

Văn biến đi ngay, không kịp trả lời; mà hắn cũng chẳng cần trả lời những câu bông đùa vớ vẩn kiểu ấy của lũ bạn. Trong cả trường Y lẫn trường Nha, chỉ có vài cặp tình nhân thực sự xứng đôi vừa lứa. Thụy và hắn là một trong những cặp hiếm hoi và sáng nước ấy. Chuyện đó ai mà chẳng biết. Thế thì hơi sức đâu phải cãi cọ cho tốn sức lao động.

Văn đi như chạy ra cổng bệnh viện. Từ bệnh viện đến nhà Thụy, chỉ có một quãng ngắn. Con đường Phan Thanh Giản (tên mới là Điện Biên Phủ) vừa chập choạng tối, đã khuấy lên những sinh-hoạt của đêm từ lúc nào. Dân lao động tất tả xuôi ngược. Xen vào đó, là những bóng (cán bộ, công nhân viên?) thong thả đếm bước tên vỉa hè, ngập ngừng trước những hàng quán bán rong trên hè phố. Và còn có những cặp tình nhân thong thả đi bên nhau, ân cần, hạnh phúc. Ở dưới những gốc cây, bên các quầy thuốc lá lẻ, những cô gái trang điểm qua loa ngồi gom lại với nhau nói chuyện tầm phào, nhưng mắt thì dớn dác, ngược xuôi, như trông đợi, tìm kiếm một điều gì. Văn nghe tiếng con gái gọi bằng một cái giọng ướt rượt và trần truồng “Em đây nè, anh à!” vọng ra từ một quầy thuốc lá lẻ. Biết là tiếng gọi đó mời mọc mình, nhưng hắn lờ đi và tiếp tục rảo bước. Văn ghé lại trước quán ăn quốc doanh, mua một bọc đậu phụng da cá, bỏ vào túi và lại cắm cúi bước. Hắn rẽ vào khu chung cư Nguyễn Thiện Thuật. Nhà Thụy ở trong đó.

Văn đã hình dung ra hết những điều sắp làm, những câu sắp nói với Thụy. Khởi sự, Văn sẽ gõ nhè nhẹ vào cánh cổng sắt sơn xanh. Người trong nhà sẽ nhìn ra, và một người—thường là mẹ nàng—sẽ ra mở cổng. Văn sẽ lễ phép cúi đầu chào và khéo léo hỏi: “Thưa bác làm ơn cho con hỏi thăm có Thụy ở nhà không ạ?” Mẹ nàng—người đàn bà có khuôn mặt khô và cứng cỏi như một bà bí thư hay chính trị viên—sẽ gắn lên môi một nụ cười đắng như cà phê quên bỏ đường “Đi đâu mà đêm hôm thế này hả cháu?” Bà bao giờ cũng đặt một câu hỏi lạc đề đầy vẻ ân cần như thế. Văn sẽ xuống giọng thật mềm “Dạ thưa bác, tối nay con trực bệnh viện; luôn tiện ghé thăm... bác... và Thụy...” Hai chữ “và Thụy” Văn luôn luôn nói thật nhỏ, thật nhẹ; như thể muốn bỏ hai chữ đó vào giữa hai cái ngoặc đơn; có đó cũng được mà xóa đi khỏi câu văn cũng chẳng sao.

Bà sẽ gắn nụ cười thứ nhì lên môi; một nụ cười gượng gạo. Giọng bà nghiêm hơn “Em nó đang học bài. Hình như ngày mai thi cử gì đấy. Cháu có gì cần gấp lắm không?” Hẳn nhiên là “cần” và “gấp” lắm rồi, nhưng Văn sẽ chỉ cười cầu tài “Dạ cũng chẳng có gì. Nếu vậy, con xin phép để khi khác. Luôn tiện, bác cho con gửi cái này cho Thụy.” Mắt bà sẽ sáng lên như đèn pha xe Honda Nhật bản; khi hình dung ra một thư tình ướt át, đầy những lời lẽ mật ngọt của cái thằng khố rách áo ôm toan dụ dỗ con bà. (Bà đã chẳng từng phán với Thụy là “từ bốn năm nay, từ lúc thằng Văn bắt đầu dan díu với con đến giờ, lúc nào mẹ cũng thấy nó gò lưng trên chiếc xe đạp cũ rích. Chắc nó không biết tháo vát làm ăn gì cả phải không?”)

Chờ cho ánh đèn pha trong mắt bà dịu bớt, Văn sẽ móc túi đưa cho bà gói đậu phụng da cá. Bà sẽ ngạc nhiên đến bần thần như tượng đá. Bà sẽ nghĩ cái thằng này chắc nó thương con mình thực sự. Có mấy hột lạc rang lắt nhắt này mà cũng lặn lội đến nhà cho con mình. Nó cũng khéo đấy chứ; nó không lải nhải nói với mình là nó thương con mình đến ngày răng long tóc bạc, mà nó diễn tả bằng hành động. Bà sẽ xiêu lòng trước mối chân tình ấy. Bà sẽ bồi hồi bảo hắn “Văn à, bác tội nghiệp hai đứa chúng mày quá đi mất. Thôi thì...” Khi đã nói như thế là bà đã coi Văn như con cái trong nhà. Bà sẽ đồng ý chọn ngày lành tháng tốt để hai đứa thành đôi. Văn hình dung ra cảnh hắn làm chú rể và Thụy là cô dâu, trong tiệc cưới tại nhà hàng Arc-en-Ciel—mẹ nàng đã từng phán rằng ít ra cũng phải đãi ở nhà hàng Arc-en-Ciel—hắn sẽ run run “báo cáo các thày, các bạn, các bà con chú bác, cô dì hai họ...” Chỉ hình dung bấy nhiêu, Văn cũng đã thấy lòng lâng lâng như say rượu.

Thế nhưng nếu mẹ nàng—sau khi nhìn kỹ những hạt đậu phụng màu nâu nhạt—thấy đó không phải là chiếc hột xoàn sáu ly lấp lánh, bà sẽ xìu xuống như cây hoa mắc cỡ bị ai chạm phải. Bà sẽ chua chát nghĩ thằng này bộ nó nghĩ là con gái mình đói khát nên đem những đồ ăn vớ vẩn này lại cho hay sao! Bộ nó muốn đổi lạc rang lấy con gái mình đây ư. Gả con mình cho nó chắc suốt đời cũng chỉ ăn lạc rang thôi chứ gì! Bà sẽ gỡ nụ cười, cất đi. Mặt bà sẽ lạnh như tiền. Giọng nói sắc như mũi dao mổ, “Cám ơn ‘cậu.’ Con Thụy nó ăn uống no đủ rồi. Bây giờ nó đang bận, cảm phiền cậu khi khác vậy.”

Da mặt Văn sẽ dày bì lên như da xác chết ướp formol lâu ngày. Và hắn sẽ chẳng còn biết làm gì hơn là “Thôi, vậy thì xin phép bác, con về.” Mẹ nàng cũng quay ngoắt đi, bước vào nhà “Về thì về, xin xỏ cái nỗi gì!”

Chỉ hình dung có thế, Văn đã nổi gai khắp người như bệnh nhân thương hàn sắp lên cơn sốt. Bậy nào, hắn tự trấn an, không được tiêu cực như thế chứ. Đã hạ quyết tâm sẽ thắng trong trận này, là sẽ phải thắng. Mẹ đâu có sống suốt đời với em được hở Thụy! Câu này hắn đã nói với Thụy hàng trăm lần rồi. Hắn dùng nguyên-tắc tuyên truyền chính-trị để chinh phục cô gái: Cứ lập đi lập lại hoài một điều nói dối, người ta sẽ tin. Cô gái có vẻ xiêu lòng, còn mẹ nàng thì thật là căng. Không biết bố nàng trước kia, khi còn theo, tán mẹ nàng, ông có gặp khó khăn như Văn bây giờ không.

Mải suy nghĩ, Văn đã đi vào con ngõ dẫn vào nhà nàng lúc nào không hay. Xa xa, dưới ánh đèn đường lờ mờ, Văn nhận ra chiếc cổng sắt xanh thẫm trong bóng đêm. Nhà nàng tắt đèn tối thui. Dạo này, để tiết kiệm điện, dân chúng hoặc sinh-hoạt trong bóng tối, hoặc đốt đèn dầu. Nhà nàng hẳn cũng không ra ngoài thông lệ này. Càng gần đến nhà nàng, Văn càng chùn bước. Hắn thọc tay vào túi áo, lấy gói đậu phụng da cá, cầm chắc trong tay như cầm một lá bùa hộ mạng. Chỉ còn cách nhà nàng hai căn. Văn nhận thấy có tấm bảng nhỏ—hay một miếng giấy?—gắn trên cánh cổng. Chẳng lẽ bây giờ nhà nàng lại treo bảng “Coi chừng chó dữ,” Văn thầm nghĩ; vả lại, nhà nàng có bao giờ nuôi chó đâu!

Hắn bước chậm hẳn lại khi còn cách nhà nàng một căn. Và Văn chợt nhận thấy một ổ khóa to, khóa vào sợi dây xích quấn quanh trụ cổng. Nhà Thụy chẳng bao giờ khóa kiểu đó. Hắn tần ngần. Chẳng lẽ mình lộn nhà. Vô lý. Mình đã đứng bên cánh cổng sắt màu xanh kia mấy trăm lần rồi, lầm thế nào được. Văn bước chầm chậm lại trước cánh cổng. Dòng chữ viết nguệch ngoạc trên tấm bảng gỗ nhỏ, buộc vào cổng bằng sợi dây thép, hiện ra rõ mồn một dưới ánh đèn đường: “Nhà vượt biên, tài sản của nhà nước. Cấm vào.” Gói đậu phộng da cá rơi khỏi tay hắn, rớt xuống đất, phát lên một tiếng động khô và ngắn. Văn bần thần nhìn qua khung cửa sắt. Căn nhà tối thui. Cánh cửa ra vào khép hờ, lờ mờ bên hiên, hình ảnh đôi guốc của Thụy bỏ chỏng chơ, lạc lõng. Căn nhà u ám như nhà mồ. Vậy là xong. Những ngón tay Văn bấm vào nhau như gây gổ. Trong vài giây, cả đến phản xạ hô hấp tự nhiên cũng bị chế ngự. Văn nghe rõ tiếng tim mình loạn nhịp. Mùi hương của tóc nồng nàn vùng cảm giác; cái mềm của môi quấn quýt không gian. Thụy của hôm nào đứng trong khung cửa sắt này dưới ánh trăng mát rượi, và gió lộng tóc bay rối tung, hai đứa chia nhau cái kẹo mè xửng xứ Huế. Thụy của những buổi chiều Sài gòn; Thụy của áo bà ba trên khu kinh-tế mới Lê Minh Xuân; Thụy của chiếc áo blouse màu trắng với hàng chữ đỏ thêu tên trên ngực áo. Ơi bờ ngực ấm, mềm như báu vật trong cung cấm. Để Thụy hỏi mẹ xem sao đã. Anh lộn xộn quá! Người đâu lì lợm thấy ghét! Đêm Sài gòn, trăng tỏ. Phố phường ngủ say, anh đưa em về, đêm văn nghệ tất niên. Trăng xanh tròn vành vạnh nhuộm phố phường một màu sữa ảo huyền. Em áo trắng, chân son, hấp tấp, vấp ngã bên lề đường Hồng Thập Tự. Đêm áo em trắng quá nhìn không ra. Anh yêu quá đỗi câu thơ Hàn Mặc Tử, và anh yêu em không bút mực nào tả xiết. Anh kia, đứng yên không tôi bắn! Tiếng lách cách của súng đạn, và tiếng hét hằn học đầy chất thú như chậu nước lạnh hắt vào mặt Văn, đánh thức hắn ra khỏi cơn mộng du mê muội.

Văn hoảng hốt quay lại, nhưng một vật cứng và lạnh đã thúc vào lưng hắn. Văn lắp bắp, nhưng những âm rời không sắp xếp nổi thành ngôn ngữ. Văn nghe như thể ngực mình bị đè siết, ngộp thở. Đám người lố nhố vây quanh hắn như những con chó sói vây quanh con mồi. Một người mặc bộ quần áo ka ki vàng sẫm trong bóng tối—có lẽ là trưởng toán—gầm gừ, “Tổ chức vượt biên phải không? Về phường đội ngay. Các đồng chí trói nó lại!”

Không, không phải đâu, các anh lầm rồi! Tôi đâu có tổ chức vượt biên. Chào mừng cách mạng Ê-tiô-pi-a thành công. Trước thế tiến công vũ bão của các phong trào dân chủ tây phương, bọn phản động... Câm mồm lại, đã tổ-chức vượt biên, còn lẻo mép chối tội nữa hả. Thằng này, nếu không âm mưu trốn ra nước ngoài thì cũng là thành phần tổ-chức, móc nối hay chủ ghe gì đó thôi! Không! Các anh bắt lầm người rồi. Câm mồm, mày dám nói cách mạng bắt lầm hả. Cho mày đi U Minh nghe con...


Trong bóng tối đặm đầy như dưới đáy ly cà phê đặc, đám người nhùng nhằng kéo nhau đi về phía căn nhà có đèn sáng rực, và tiếng loa phóng thanh oang oang vang động. Văn nhận ra căn nhà đó, nơi mà mỗi lần ghé Thụy, hắn phải đi ngang qua. Những vòng dây thép trói nghiến vào hai cổ tay đau điếng. Văn ngửa cổ lên nhìn một lần chót bầu trời đầy sao, trước khi bước qua cánh cổng sắt phường đội. Xin từ giã đêm và những vì sao. Ơi những vì sao chỉ biết chờ đêm tối trở về, mới thì thào kể chuyện cho nhau nghe.

Mùa thu 1979



- MỤC KHÁC
giới tính l Phần mềm l Xem bói l girl xinh vn l Game Hot l girl xinh l GIẢI TRÍ l Trà sữa l mẹo vặt l thủ thuật l sms l Cẩm nang l nhạc chuông l Đọc Truyện
Hosting By Xtgem.com
U-ON bonba9x