blogqn.wap.sh - Trang tải game, phần mềm ứng dụng và giải trí miễn phí!
BonBa9x.Wap.Sh
Thế Giới Giải Trí Cho Mobile
Cho Bạn Và Cho Tôi

XtGem Forum catalog
Truyện ngắn

Khoảng cách giữa Thu Huyền và tôi thu lại ở mức tôi, tác giả, định đoạt. Nếu xa, làm sao tôi viết được. Ngược lại, nếu đi quá một cái hôn để gần, gần quá thì chính tôi cũng trở nên một nhân vật tiểu thuyết. Ðiều này tôi cho là cấm kỵ vì như vậy, tiểu thuyết hóa thành một loại tự sự của chính tác giả. Với sự nhẹ dạ, lòng tự ái, tính vị kỷ, chứng cuồng ảo, bệnh tự huyễn vì sợ sự thật và đủ mọi tật xấu khác ở ai cũng có, loại tự sự này chỉ có thể là những bản văn đi mê mị người đọc. Nhưng tiểu thuyết thì không thế được. Tự thân, nó có tên là truyền kỳ, roman, novel, fiction, nghĩa là một sản phẩm thuần trí tuệ của nhà văn. Khẳng định với người đọc như thế ngay từ đầu thì nhà văn đâu có bịp bợm mê mị ai. Anh ta chỉ rủ rê người đọc vào một cuộc chơi. Chơi thì mở sách ra, không chơi gấp lại. Với sự tự do đó, không người đọc nào chấp nhận những nhà văn đi lừa dối mình. Ðối phó rất giản dị, người đọc chỉ cần gấp sách lại và thế là xong.
Hôm sau, tôi tự mình đến phòng thí nghiệm cấy lan. Thu Huyền khoe “ ...lan đất, cấy lên một loại gỗ mục ẩm rồi dùng quạt thổi như gió và hy vọng, với tình cờ, sẽ gặt được một vụ phong lan. Huyền đã làm được dăm ba lần, không hiểu sao có lan đấy mà không làm cho ra hoa được “. Tôi mỉm cười, nhận thấy Thu Huyền khác hẳn bà ta. Nhưng dẫu gì chăng nữa, đừng quên một khoảng cách tối thiểu giữa tôi và nhân vật, tôi thầm nhủ, rồi nhắc nàng cái công việc của tôi. Nàng vui vẻ diễu cợt “...dạ, em không quên. Nhà văn muốn gì em cũng chiều được “
Trưa đó, Thu Huyền và tôi ăn trên sân thượng của tòa biệt thự. Nhìn ra biển, những đợt sóng xa xô nhau chạy đuổi trên mặt biển tráng ánh dương, thấp thoáng điểm những cánh buồm trắng dập dềnh trong gió. Tôi hỏi “ ...về lời nguyền của ông nội, Huyền có thêm chi tiết gì không ? “

Lặng lẽ giây lâu, nàng gỡ cặp kính dâm xuống, nhìn xa vắng. “ Ông nội và ông ngoại em là bạn từ thuở thiếu thời. Hai bên hứa hẹn làm thông gia với nhau khi mẹ em mới lọt lòng, nhưng bà nội nhất định không chịu, mặc dầu chẳng có lý do gì, ngoài cái chuyện so đôi đuổi không hợp. Ðến tuổi thành niên, cha mẹ em lại yêu nhau, và dẫu chưa cưới hỏi, đã vụng trộm với nhau. Mẹ em mang thai đến tháng thứ ba thì bà ngoại em sang nói chuyện với ông bà nội. Thảm kịch bắt đầu từ đấy... “. Thu Huyền nghẹn lời, thở hổn hển, tay với ly nước uống một hơi.
Lát sau, nàng thủ thỉ, “ bà nội em nghe, lắc đầu khóc ngất, kêu trời như phát điên. Ông nội em gặng hỏi, bà nội vừa khóc vừa nói : “ ...anh em mà chúng nó lấy nhau à ! “. Ông nội lặng người, lập đi lập lại “ thảo nào ! “. Bà nội em quì dưới chân ông, kêu “ ...Lạy mình, tha lỗi cho tôi ! “ Ông nguyền “ Truyền đời cho chúng bay tuyệt giòng tuyệt giống. Ðàn ông thì tuyệt tự rồi bất đắc kỳ tử. Ðàn bà thì sát phu, cứ lấy thằng nào là bảy năm sau là thằng đó chết, năm lần bảy lượt cũng vậy...”. Ngay đêm hôm đó, ông bỏ đi lên Thái Nguyên. Vài ngày sau, bà nội treo cổ. Cha em lúc đó rõ hết mọi chuyện. Chôn cất cho bà xong, cha tìm ông ngoại bảo “ ...đẻ ra tôi, nhưng ông đẻ ra để mà rồi giết con giết cái ông ! “. Không nói thêm một lời, cha đi biến. Tháng sau, người ta báo vớt được xác cha chương phình dạt vào bờ sông Ðáy. Về phần mẹ em, mẹ chỉ biết khóc. Ông ngoại đóng cửa không nhìn một ai. Bà ngoại lo em sẽ là cái quái thai, kết quả một cuộc loạn luân không ai ngờ đến... “.
“ Ông ngoại chết vì xấu hổ. Bà ngoại, mẹ và em di cư vào Nam. Năm em lên sáu thì mẹ đi bước nữa. Ðúng khi em được mười ba thì dượng em khi không kêu nhức đầu, đến tối ngã vật xuống đất, đem vào cấp cứu chỉ hai giờ sau là chết. Bà ngoại thì thào, cái lời nguyền kia, có phải nó vật ngã dượng em không ? Mẹ sợ. Mẹ đi xem bói, rồi đội bát hương hầu đồng. Năm em mười chín, trong tiếng kèn tiếng nhị, mẹ đảo người lắc lư rồi chỉ vào mặt em thét “ ...truyền đời cho chúng bay tuyệt giòng tuyệt giống... Ðàn bà thì sát phu, cứ lấy thằng nào là bảy năm sau là thằng đó chết, năm lần bảy lượt cũng vậy”. Bà ngoại em rú lên, tay xua, miệng lạy van. Rồi bà kể cho em nghe, nước mắt ròng ròng, ôm em kêu “ ...con ơi là con ơi ! “. Thu Huyền gục đầu xuống bưng mặt, hai vai run giật như cánh chim non mắc bẫy giẫy lên yếu ớt. Không kìm được lòng, tôi để tay lên vai Thu Huyền, ấp úng “... chuyện đã qua, thôi đừng khóc nữa ! “ Nâng mặt nàng lên, tôi dịu dàng lau những vệt nước mắt trên má trên môi, và tôi bảo, Thu Huyền ơi, để anh kể cho em nghe một câu chuyện cổ tích. Câu chuyện dĩ nhiên có bà tiên và phép mầu xóa sạch những khổ ải. Nhưng tôi tin và khẳng định, chuyện có thật đấy, em ạ. Thu Huyền gật nhẹ, rúc đầu vào vòng tay tôi ôm tìm che chở.
Suốt ngày hôm đó, khi về phòng tôi đánh vật với một số câu hỏi và lời nguyền Thu Huyền vừa kể. Với cái chu kỳ cứ bảy năm bà ta chôn chồng. Nếu tôi tin nhân vật Thu Huyền của tôi, kết luận rằng lời nguyền là nguyên nhân thì sẽ đưa đến câu hỏi thứ nhì, làm thế nào cái thực tại kiểm nghiệm được mỗi bảy năm có thể hình thành từ một sức mạnh bí ẩn phi vật chất. Ngược lại, ba cái chết trong hai mươi mốt năm cũng có thể là nguyên nhân để lời nguyền kia chỉ là cách biện minh cho cái thực tại xếp đặt theo một sự điên cuồng bệnh hoạn. Cách trả lời những câu hỏi sẽ quyết định con đường hành văn và tính cách của tiểu thuyết. Tin Thu Huyền, tôi sẽ đi vào một cõi huyễn thực huyền ảo không cần biện minh. Ngược lại, tôi buộc phải đẩy tiểu thuyết vào dòng tâm lý, có cái móng vừa ý thức lẫn vô thức nhào trộn vào nhau để tra vấn một hiện thực. Ngày lại ngày, tôi ngơ ngẩn ngồi trước bàn viết, đầu óc lung bung. Khi tôi chọn tôi chỉ tin Thu Huyền và thề sẽ trung thành với nhân vật của tôi thì chợt có tiếng gõ cánh cửa trổ ra vườn. Bà ta xuất hiện, giọng trang trọng :
- Việc đến đâu, thưa ông ?

Ngạc nhiên, tôi không hiểu vì sao trong thân xác bà ta Thu Huyền lại thình lình đổi thái độ với nhà văn, xa cách như chưa hề có một buổi trưa và những giọt nước mắt hôm nào. Mời bà ngồi, tôi đáp một cách dè dặt :
- Xong được đoạn đầu, thưa bà ! Nhân tiện, bà cho tôi hỏi thêm về lần đầu bà lấy ông Trung úy hải quân. Bà gặp ông nhà trong hoàn cảnh nào ?
- Trong hoàn cảnh nào ? Tôi quen khi anh ta còn là sinh viên sĩ quan...
- Lúc đó, bà có nghĩ đến lời nguyền kia không ?
- Có chứ. Chính tôi bảo anh ấy chọn hải quân. Khó chết hơn đám bộ binh, nhảy dù, biệt động...
- Ông có biết các lời nguyền đó không ?
- Không ! Với tôi, anh ấy sống là tốt nhất. Nhưng nếu chết, đừng đợi đúng bảy năm. Chết sớm hơn thì hay. Vì thế có nghĩa là lời nguyền không linh...
Mặt đanh lại, bà ta thở dài :
- Hoặc là đẻ được một đứa con...Cũng vậy.
Tôi ngập ngừng :
- Ông mất trong trường hợp nào ? Xin lỗi bà, tôi khơi lại chuyện cũ.
Bà ta nhìn tôi, giọng khinh bạc :
- Không sao ! Chết đuối... Hải quân mà chết đuối, ông ạ ! Chết đúng bảy năm sau khi lấy nhau, xê xích đâu vài ngày...
Ðứng lên, bà ra đến ngưỡng cửa. Ngần ngừ nắm quả đấm, bà bỗng nhỏ nhẹ :
- Cái điều ghê rợn không phải là sự chết...
Quay về phía tôi, bấy giờ lại là Thu Huyền, nước mắt chan hòa :
- ...mà là, Huyền vì sợ mà không bao giờ dám yêu người mình lấy. Thành ra, cái chết của anh ấy chỉ làm Huyền nghiệm ra lời nguyền... Anh có biết không, ba đời chồng rồi mà Huyền chưa thể yêu lấy một người...
Nói chưa dứt lời, Thu Huyền chao người ngã vật xuống. Tôi vội chạy lại xốc nàng lên. Mớ tóc xõa tung ra buông xuống nền gạch, mắt nhắm nghiền, nàng víu lấy tôi như víu cái phao tròng trành trong một không gian loãng ra, nhẹ hễnh, chỉ chực bay biến. Thình lình, Thu Huyền vùng dậy chạy ra ngoài nắng. Bóng nàng mơ hồ thấp thoáng sau lùm cây Cora hoa màu mào gà đỏ bốc lửa, để lại tiếng chân lạo xạo trên con đường sỏi trắng. Nhìn theo, tôi bỗng nhớ cuốn kinh của tôi mở đầu bằng một câu sắc và gọn, “ yêu là tồn hữu “, và hiểu rằng nó rỗng tuếch. Nhân vật của tôi, không dám yêu vì sợ một lời nguyền, vẫn có đó, chới với sống thân phận một con người bé nhỏ, bó tay trước những oan nghiệt nàng không hề trách nhiệm.
Trở vào, tôi mở tập giấy bà ta ghi sự kiện, chăm chú đọc lại. Ðời chồng thứ hai, một ông bác sĩ. Và hy vọng có con qua phương cách thụ thai nhân tạo. Nhưng trứng tử cung bà ta có phản ứng thải tinh trùng. Ông bác sĩ thử ba lần, lần cuối dùng điện vi tế kích thích cho cái cuộc gặp gỡ kỳ diệu tạo thành đời sống có cơ thành hình. Vô phương. Bà ta ghi “ ...đã hết năm thứ sáu, bước vào năm thứ bảy, tôi không còn ngủ được. Hàng đêm, tôi văng vẳng nghe tiếng người trong tai. Tôi kinh hoàng. Nhà tôi bảo, căn bệnh này hiếm nhưng không phải là lạ với nền khoa học hiện đại. Tôi không tin. Vì điều tôi nghe là những lời nguyền năm xưa “
Sau đó, mỗi ngày bà viết chỉ đúng một dòng có ba chữ “ cứu tôi với “. Tôi đếm được ba trăm hai mươi dòng. Ðến dòng ba trăm hai mươi mốt, bà vắn tắt “ Nhà tôi đã qua đời. Một cơn đau tim. Bác sĩ lại chết vì bệnh. “

Tôi gấp tập giấy, tai văng vẳng tiếng kêu “ cứu tôi với “, “ cứu tôi với “... Nỗi thương cảm một kiếp nhân sinh khiến tôi lặng người đi. Ðến cuối trưa, tôi gọi điện. Jacintha đầu dây nói ríu rít “ A, writer. Khỏe chứ ! “. Tôi ngập ngừng nhờ cô báo cho Lady rằng tối nay tôi không lên dùng cơm chiều với bà. Jacintha hỏi “ Tại sao ? “. Tôi đáp “ ...tôi cần suy nghĩ. Với lại, tôi không đói... “. Jacintha mau mắn “ ...thế thì tối nay ra phố nhé ! “ và chẳng đợi tôi phản ứng, nàng cúp máy, để lại dư âm một tiếng khúc khích.
Thấy tôi đăm đăm, Jacintha cười “ Relax, writer ! “ Nàng đưa tôi ra khỏi gia trang, lái xe dọc những đồi trà, đi đến downtown thì trời vừa tối. Chúng tôi vào một quán ăn Jacintha khoe là chỉ bán đặc sản của thổ dân Tonga đã cư ngụ Hạ Uy Di từ nhiều đời. Dàn nhạc sống, lại có vũ công múa những điệu múa đã có cả ngàn năm nay. Vũ nữ mặc váy làm bằng sơ dừa, đầu kết hoa, theo tiếng đàn Hạ Uy Di uốn mềm như cành dừa trong gió. Có lẽ nào chính đây là hình ảnh thiên đàng. Một thiên đàng đã thực sự lạc mất theo bước thời gian.
Khi tôi hỏi Jacintha về ông chủ chết chưa đầy một năm thì nàng có vẻ buồn buồn. Ông là người gốc Nhật nhưng đã đến Hawai hai đời. Trước khi lấy Lady, ông có một đời vợ người Mỹ trắng và hai đứa con trai. Cách đây mười năm, hai người ly dị. Ông bỏ công việc ở đất liền, dốc tiền ra mua đất trồng trà và có thể nói là ông khá thành công, một mặt vì thị trường Nhật ông quen biết, mặt khác, ông không ngừng gia sức cải biến và hoàn thiện sản phẩm. Chính vì muốn có cơ sở khoa học, ông đã thuê chuyên viên và Lady, một người có đào tạo, đã đến làm cách đây tám năm. Ông bà còn đương xuân, yêu nhau không phải là chuyện lạ. Nhưng ông ao ước có thêm một đứa con, con gái. Dĩ nhiên là họ hy vọng, rồi lại thất vọng. Sau khi xẩy thai hai lần, bà bảo, nếu muốn ông có thể có con với người khác, miễn là sau đó thì để bà kiểm soát hết, kể cả lo cho đứa bé ông sinh ra. Jacintha lại cười “ Kể cũng lạ ! Chiều chồng thế, đúng là number one ! “ Tôi ngắt :
- Ông ta chết như thế nào ?
Jacintha nhăn mặt :
- Kinh lắm !
Nghe tôi giục, Jacintha thở dài :
- Ông chủ rất thích thể thao, nhất là môn trượt nước. Ông để thuyền máy cao tốc kéo lướt trên nước, rồi tung người lên không. Lần đó, không hiểu thế nào khi đáp xuống ông đáp vào đúng một vùng đá san hô ngầm. Không ai dám nhìn xác ông cả !
- Ai lái thuyền ?
- Lady !
- ...
- Lady gọi cho cảnh sát tuần tra viễn duyên. Tìm xác thì dễ thôi, vì hai cái ván trượt nước nổi lềnh bềnh. Họ bảo, lúc đó nước thủy triều rút nên mới xảy ra tai nạn. Nếu không, chắc chẳng việc gì...
- Tai nạn...
Jacintha nhìn tôi gật đầu. Về phần tôi, tôi nổi da gà. Trong tập giấy bà ta viết, có những trang bà tỉ mỉ tả lại một khoảng đá ngầm bà khám phá ra. Bà đã từng đến đó lặn xuống, xem những loài cá đủ màu đủ sắc, bắt những con sao biển, có lần quay phim được một loài hải mã rất hiếm.
Mấy đêm liền sau hôm đó, phải nói tôi không ngủ được. Ðầu óc tôi quay cuồng những câu hỏi tôi không dám trả lời. Thời gian kế tiếp, tôi xin ăn một mình và rất ít gặp bà ta dẫu Thu Huyền vẫn cứ ám ảnh. Nay chiều chiều, Jacintha lại ghé, lắm khi chỉ nói “ hello ! “ rồi đi. Mỗi lần, nàng để lại khi thì ít trái cây, khi chai rượu, khi dăm ba tạp chí như Times, như Newsweek. Một buổi xế trưa, nàng rủ, ra biển nhé. Lần này có cả Tina. Càng hay, tôi cần có cái gì đấy mát mẻ như một đứa trẻ hầu giải tỏa những ấm ức của cái thế tam giác. Một góc là Thu Huyền. Góc bên kia, bà ta. Ðối diện với cả hai là tôi, nhà văn không thực sự chọn nổi nhân vật của mình.

Cầm tay Tina, tôi theo nó chạy lăng xăng đuổi theo những con dã tràng chạy trên cát biển trắng phau. Mùi muối và rong biển quện lại ấp ủ một khoảnh không gian xa cách mọi chuyện, có và không có, đáng và không đáng, để chỉ giữ lại những giây phút thần tiên chẳng mảy may gợn một thoáng đời ngoài kia với những nỗi khắc khoải nhân gian. Tina nhặt một cái vỏ xò hình tù và. Tôi bảo nó áp tai vào mà nghe, tiếng vọng từ thuở tạo thiên lập địa vẳng về. Nó gật gù reo “ Oh, oh yes...” Jacintha trờ tới. Da rám hồng nắng, nàng cúi xuống nhìn chúng tôi, tóc vương những hạt cát óng ánh. Tôi nhớ câu tôi hỏi nhưng nàng chưa trả lời. Nhìn ra khơi, nàng chỉ bảo, cha của Tina đã đi, đi rất xa. Bất ngờ, nàng quay lại :
- Nhưng sao anh lại cứ hỏi chuyện cũ đó ?
- ...thì tò mò !
- Với một người đàn bà, chỉ tò mò như thế là một báng nhạo...
Nhìn Jacintha, tôi chợt thấy sự bất nhẫn vô ý thức của mình. Tôi xin lỗi. Ðôi mắt thoáng mọng nước mắt, Jacintha quay đi nói nhỏ “ never mind !”. Tảng lờ, tôi ngả người nằm xuống để mặc cho Tina trèo lên bụng, miệng khúc khích kêu, ngựa, chạy nào, ngựa ! Lát sau, Jacintha ngần ngừ :
- Hết contract với Lady, anh làm gì ?
Tôi tình thực nói với nàng rằng tôi cũng chưa biết.
- Thì cứ ở lại đảo ít lâu...Nếu thích, cũng có thể tìm ra công việc.
Không muốn đáp, tôi làm vẻ hồn nhiên :
- Còn thời gian mà. Vùng đứng dậy, tôi la - Tina, xuống tắm nhé !
Chúng tôi chạy ào xuống nước rồi vẫy Jacintha. Nàng bất động một lát, vẫy lại, nhưng vẫn ở trên bờ. Lần đó là lần đầu tôi cảm thấy một khoảng cách với nàng. Nhưng nó khác với những khoảng cách giữa nhà văn và nhân vật. Nó là khoảng cách giữa một người đàn bà ở đảo và một người đàn ông không biết đời mình đi về đâu. Tôi không muốn vượt nó, ôm Tina hôn lên má, và cám ơn Jacintha đã cho tôi một ngày rất đẹp. Tôi biết nàng thừa nhậy cảm để hiểu là tôi không dám dấn lên đi quá một chặng đường.
Vào độ trăng non, đảo bỗng thay đổi, bất chợt mưa, bất chợt nắng. Không khí chiều chiều ẩm đục. Ðêm, sương như mơ đôi khi giải trên những ngọn đồi trà nhìn từ xa mập mờ đụng đậy tựa những con voi trắng lừng lững chuyển mình khi có gió. Ở đảo, gió là bạn đường. Gió không phương hướng, thình đến rồi đi, ù ù bốc lên, thoáng lại biến mất. Bức tranh người đàn bà áo vàng ngồi cạnh người đàn ông chẳng hiểu đang ngủ hay đã chết trở nên sinh động một cách huyền hoặc. Tôi gỡ nó xuống, áp mặt tranh vào tường. Ngắm cái đinh treo tranh tránh không gợi cho tôi hình ảnh cái tai nạn xảy đến cho một kẻ từ cao tít chúi ngã đập mặt vào những mảnh sắc san hô mọc ngầm dưới mặt nước xanh lơ yên bình.
Khoảng chín giờ tối, trăng nằm ngay tầm mắt nhìn từ cánh cửa mở ra vườn. Tình cờ tính bức xạ của màn hơi mù sương bốc lên từ biển khiến trăng lưỡi liềm to phình ra răn đe con người bỗng trở thành bé tí. Ai đó, đứng nhìn qua cửa sổ giơ tay gõ nhè nhẹ. Tôi ra. Thu Huyền nói vội, ánh mắt nửa như van xin, nửa như trách móc :
- Sao anh không đến ? Anh bỏ rơi nhân vật của anh ư ?
- ...
- Anh cũng tàn ác, chẳng kém gì những con người có thật khác. Một nhà văn không thể thế được...
- ...
- Anh không nói gì à ! Chỗ đứng của nhà văn là góc độ nhìn vào mọi cái trước mắt để thấy tương lai, ở đâu đó, tươi sáng hơn. Hoặc ít nhất, đỡ đi tăm tối. Anh không có quyền tạo em ra, rồi nửa đường bỏ rơi em !
Nhưng không, tôi nào có thấy gì ngoài nghi vấn về liên hệ giữa những cái chết và lời nguyền cay độc. Thu Huyền đó, và tôi, tôi bất lực không tách được nàng ra khỏi bà ta. Nỗi tủi hổ khiến tôi nghẹn lời. Tôi khóc. Tôi gập người, mặc cho nước mắt ướt nhòa muôn vàn hư ảnh, nấc lên từng hồi rồi ừng ực nuốt nỗi đau xuống. Cho đến khi ngửng lên, tôi nghĩ mình ở tầng cuối cùng của địa ngục. Mái tóc Thu Huyền chạm vào môi vào mắt tôi, vuốt ve an ủi hệt như bàn tay mẹ tôi năm nao để lên trán tôi nóng cháy trong một cơn bệnh hiểm nghèo. Tôi chúi vào lòng nàng, mặc cho số phận đưa đẩy. Mặc cho bàn tay nàng lần vào cởi ra từng cái cúc. Mặc hết, kể cả văn chương, tiểu thuyết và khoảng cách cần có giữa nhà văn và nhân vật. Cho đến lúc tôi thành con sâu. Nó chui vào khe đất ẩm rậm nhưng ấm áp. Nó lần xuống thật sâu, ở cái độ con người quẫy một nhịp với sự co thắt của cả vũ trụ. Tất cả, phải, tất cả sáng lòa lên, thành muôn màu muôn sắc. Và tôi, an bình, tôi thiếp đi quên người đàn ông nằm, đang ngủ hay đã ckết. Quên luôn người đàn bà ngồi nhìn.

Sáng tinh mơ hôm sau, tôi thức dậy khi ánh nắng đầu tiên rón rén vào buồng ngủ, lung linh lay nhẹ tấm mành cửa ai đó đã kéo xuống. Tôi hân hoan vùng người. Phải thế chứ. Ðời sống ơi, hãy đợi, tôi sẽ ra chào. Trên bàn làm việc, một mảnh giấy ghim lên chiếc computer tôi mang theo. “ Thanks, my love. J “. Dĩ nhiên, tôi liên tưởng đến J như Jacintha. Không, không phải thế. Không thể thế được. Tôi lao ra, nhắm hướng phòng thí nghiệm thực vật cắm đầu chạy. Không gõ cửa, tôi xông vào. Thu Huyền reo :
- A, anh ! Lâu quá, em có tin vui...
Thu Huyền chạy ra, ríu rít cười rồi kéo tay tôi vào một góc, tay chỉ lên một mảnh gỗ móc lơ lửng trên tường. Nàng vui vẻ :
- Anh xem ! Giò phong lan đầu đã nở hoa...
Ngước mắt nhìn, quả một cái nụ tươi tắn màu vàng có ánh biếc của biển đang hé mở. Phép màu nhiệm của cuộc sinh sôi đã hết cái tình cờ bí ẩn. Bây giờ, sự tái sinh được cân đo tính toán với những thảo trình điện toán và trí tuệ con người. Thượng Ðế cũng có lúc phải nhường một bước. Nhưng còn cái bước sau ? Nhất là, cho mỗi kiếp nhân sinh, bước cuối cùng trước khi qua ngưỡng cửa tử-sinh.
Nắm nhẹ vai Thu Huyền, tôi thành thật :
- Xin mừng. Mừng cho em. Và mừng cho cả giò phong lan cấy bằng giống lan đất... Nhưng còn đêm qua...





- MỤC KHÁC
giới tính l Phần mềm l Xem bói l girl xinh vn l Game Hot l girl xinh l GIẢI TRÍ l Trà sữa l mẹo vặt l thủ thuật l sms l Cẩm nang l nhạc chuông l Đọc Truyện
Hosting By Xtgem.com
U-ON bonba9x