blogqn.wap.sh - Trang tải game, phần mềm ứng dụng và giải trí miễn phí!
BonBa9x.Wap.Sh
Thế Giới Giải Trí Cho Mobile
Cho Bạn Và Cho Tôi

Polaroid
Truyện ngắn

Loáng sau, cô bé trở ra với hai chiếc tách nghi ngút khói. Sau khi bổ sung cho chúng tôi một gói Ngựa trắng lấy từ mặt chiếc tủ con màu gụ bóng loáng kê sát đầu chiếc giường màu sáng kiểu Đức, cô đứng sang bên cạnh thưa:
-  Bác ơi, cháu đi chợ đây, trưa nay bác muốn ăn gì ạ? - Cô bẽn lẽn quay sang tôi - Các anh cháu lo cho bác cháu lắm, chả biết sau này cháu có làm được như thế cho bố mẹ cháu ở quê không!
- Được chứ  - Tôi mỉm cười với cô bé và không hiểu sao lại tin chắc vào điều mình nói đến thế - Bố mẹ cháu nhất định sẽ hài lòng!
- Tiếng là cùng làm việc với nhau từ lâu, nhưng đã bao giờ anh em mình uống với nhau đâu. Trưa nay chú phải ở lại với tôi! - không đợi tôi trả lời, anh Thường bảo cô bé: Đơn giản thôi, cháu mua một con vịt quay, một ít xúc xích hun khói, dăm quả dưa chuột và cà chua là được rồi, đỡ phải nấu nướng lích kích.

* * *

Thấm thoắt mà đã đến tháng bảy. Vào đợt rằm tháng này, số người đi lễ tăng lên nhiều hơn so với các tháng trước. Tháng bảy là tháng "Xá tội vong nhân". Những người yêu cầu tôi viết sớ hầu hết là cầu xin cho phần hồn của những người thân đã quá cố của họ được mát mẻ, siêu thoát và được về an lạc tại chính nơi cư trú của Phật. Và chính những phần hồn của các vong nhân đó cũng luôn nhận được lời cầu xin pha chút nhắc nhở kín đáo là luôn nhớ phù hộ độ trì cho con cháu của mình. Do tôi làm sớ không theo kiểu các "form" lập sẵn bằng thứ chữ được lắp ghép từ các mẫu tự Latin, chỉ việc điền tên tuổi, chỗ ở và lời thỉnh cầu của các thân chủ vào là được mà tôi cứ hành nghề theo kiểu truyền thống, nghĩa là viết từ đầu đến cuối theo ý tứ của người đi cầu, nên khách của tôi cứ ùn lên. Về mặt văn bản, lối viết và sự không được chuẩn hoá đó có thể không thuận tiện cho bộ phận tiếp sớ của Phật lắm nhưng khách hàng của tôi lại hài lòng. Và tôi cũng hài lòng bởi thông qua những thông tin tâm linh và phi tâm linh cất cánh từ đáy các con tim hồng tươi hoặc chưa hồng tươi nhưng đầy mẫn cảm ấy, tôi được thấy những tấm tình chí hiếu, chí nghĩa, sâu nặng thuỷ chung, thấy được cái đạo lý "Uống nước nhớ nguồn" không hề bị phôi pha theo dòng năm tháng, theo những đợt triều lúc cường lúc nhược của cái đại dương thị trường mù mịt kim tiền do "Trời sinh ra". Và mặc dù lắm hôm mệt đến oãi cả người mà thu nhập vẫn không khá hơn nhưng tôi vẫn cảm thấy yên lòng bởi tôi vẫn nhớ và rất thích một câu anh Thường nói với tôi trong bữa nhậu vịt quay hôm trước: "Cuộc đời vốn lung tung lắm, có phải cái gì cũng làm thành "form" được đâu!". Quả là bất khả luận!

Té ra cái anh già này cũng thú vị ra phết! Không hiểu từ lúc nào, tôi bắt đầu bị cuốn hút vào cái biến phức vô thường đang lặng lẽ vận động trong tiềm thức sâu thẳm của anh. Bằng chứng là dạo này thỉnh thoảng tôi hay nghĩ đến anh, muốn đến chơi và nói chuyện với anh hoặc cùng anh nhàn luận về một điều gì đó.

"Ai dám chắc là mi tìm lại được cái "tính bản thiện" của mi trước lão ta?" Dân gian đã từng cho thấy rằng gã ác Lai say mê ăn thịt người vẫn có khả năng được bổ nhiệm lên toà sen chỉ sau có một đêm! Rằng việc rùa về đích trước thỏ không phải là chuyện hy hữu! ý nghĩ đó giờ đây không làm tôi đỏ mặt nữa mà nó khiến tôi bật cười cho cái vớ vẩn, cho cái chủ quan đầy tự ái và thiên kiến của mình. Và nhờ vậy hình ảnh một người râu tóc đã bạc phơ mới bắt đầu lọ mọ trong sự muộn mằn trên con đường thiên lý đi tìm lại cái bản ngã mà trời phú cho gã từ thuở lọt lòng không còn gây cho tôi cái cảm giác vừa thương hại, vừa bức xúc, vừa pha chút vô vọng nữa mà trái lại, tôi cảm thấy tâm tĩnh đến lạ lùng.
Tôi mong cho nhanh đến cuối tháng, khi đã vãn khách, tôi sẽ nhất định gọi điện mời anh ra cổng Phủ chơi. Hai gã - một đã già, một bắt đầu già - sẽ chọn một chiếc bàn sát mép nước Hồ Tây, trong một cái quán vắng, cùng thưởng một chầu rượu với món ốc luộc nước gừng nổi tiếng của đất Hà thành (vốn vẫn bị những gã hay nói leo làm cho mang cái tiếng là thuần thanh lịch) và cùng nhau luận về những điều đã thập thõm thu lượm được trên con đường dài dằng dặc đi tìm lại cái bản ngã của mình. Tôi đang lãng đãng mơ màng thì bỗng có tiếng hỏi:
-  Này bác! Bác có phải là bác Thiền, người nhà của bà giáo Hoà không?
-  Tôi đây. Có chuyện gì vậy? - Tôi nhìn người đàn ông có nước da xạm nắng và mái tóc khô vàng và chợt nhận ra có điều gì đó bất thường - Bà ấy...?
-  Không phải bà ấy mà là ông Thường bị cảm lúc chiều, tình hình rất xấu. Bà giáo nhờ tôi đến báo và chở bác vào viện ngay.

Người đàn ông có mái tóc khô vàng rồ ga, đưa tôi đến bệnh viện và dẫn tôi đến thẳng buồng cấp cứu.
-  Buồng này đây. Ông vào đi. Tôi đi đây! - Mái tóc khô vàng biến đi cũng đột ngột như lúc xuất hiện.
Tôi đẩy cửa. Chỉ thấy một chiếc giường trống không và tấm vải ga nhầu nhĩ. Tôi quay ra và gặp người Y tá. Cô ta nhìn tôi như thể áng chừng điều gì đó rồi hỏi:
-  Ông là người nhà ông Thường?
-  Vâng! - Tôi trố mắt nhìn cô, chờ một lời hướng dẫn
-  Bị nặng quá, ông ấy đi rồi. Chúng tôi đã đưa ông ấy xuống nhà lạnh.
Quên cả cảm ơn, tôi hì hụi đi xuống nơi mà cô y tá chỉ cho.
Trời đã nhá nhem tối. Không khí trở nên ngột ngạt. Nhà lạnh. Một cái xác chết phủ khăn trắng, đặt tạm trên một chiếc bệ xi măng. Chị Hoà và cô cháu gái anh Thường đang loay hoay cắm mấy nén nhang lên một khúc chuối tươi đặt bên người quá cố. Thấy tôi, con bé nấc lên:
-  Chú... ơi, khổ cho bác cháu quá!
-  Có ai ngờ. Nhanh quá cậu ạ. Khốn khổ!
-  Mấy đứa con ông ấy biết chưa?
- Biết rồi! Khổ thân! Bố chết mà không kịp gặp lần cuối! Chúng nó vừa kéo nhau về nhà. Chắc đang bối rối nên chẳng biết phải làm gì. Tôi đã làm thủ tục đưa ông ấy vào buồng lạnh rồi. Chốc nữa có người của bệnh viện xuống bố trí. Bây giờ cậu về lo việc hậu sự và chỉ bảo cho mấy đứa con ông ấy.
-  Chị và cháu cũng về luôn thôi, muộn rồi!
- Không được! - chị nói, giọng bất bình - Tôi phải ở lại đây. Chả nhẽ để ông ấy nằm ở đây một mình đêm nay à? Lạnh lẽo lắm! Thôi, cậu đi ngay đi cho được việc!
- Đúng đấy chú ạ. Cả cháu cũng... ở lại! Cô bé rụt rè đề nghị, nước mắt vẫn rân rấn.

Tôi đi thẳng về nhà người quá cố. Sân khu nhà tập thể tối thui. Im ắng đến gai người. Cửa phòng ông khép hờ, để lọt ra sân một vệt sáng dài nhợt nhạt, đủ cho ta nhận thấy những con muỗi mắt đang bay loạn xạ, chấp chới trong cái oi nồng của một buổi tối đầu thu vắng gió.
Im ắng quá. Đúng là lạnh như nhà có tang!
Tôi dừng lại. Gõ cửa. Không có ai trả lời.
Chờ một lát... Vẫn không thấy gì.
Tôi lấy làm lạ và thận trọng nhìn qua khe cửa đang khép hờ: Thằng anh ngồi trên ghế, mặt thất thần, ngây dại. Thằng em đứng gục mặt vào tường, một tay túm lấy chỏm tóc của mình, tay kia nắm chặt lại, di di lên tường, tuyệt vọng. Còn hai cô con dâu, mỗi cô ngồi một góc giường, nét mặt ngây độn, thiểu não.

Cảnh tượng không có gì mới hơn so với các gia đình có cùng cảnh ngộ cách đây vài ba ngàn năm nhưng sao vẫn thật cảm động và thương tâm. Ai mà quen được với cảnh tang tóc, kể cả một gã lính chiến dạn dày như tôi đã từng nghiến răng xả lửa sang chiến tuyến phía bên kia và đã từng tự tay chôn cất những người đồng đội thân yêu của mình trên ba chục năm về trước.
Thôi, gượm hãy vào - tôi tự nhủ - đừng quấy rầy, hãy để cho họ được yên. Tôi toan quay ra thì bỗng nghe một tiếng "xoèng..." kéo dài từ trong nhà phát ra, tựa như tiếng một sợi dây xích kim loại dài bị ai đó quăng mạnh xuống đất. Tôi quay đầu lại và lập tức nhận ra dưới nền nhà, ngay sát mũi giày thằng anh, là chiếc khăn mùi xoa mà tôi đã nhìn thấy hôm gặp lại anh ở cổng Phủ và một bãi vàng choé những chiếc nhẫn tròn căng nằm xóng xoài, lấp lánh; mấy chiếc nặng đồng cân hơn thì văng ra xa, đang tiếp tục lăn đến chân tường rồi mới đổ kềnh và khoanh khoanh mấy cái mới chịu nằm yên.
-  Ông già cao thủ thật! - Cô con dâu trưởng rít lên qua kẽ răng.
-  Câm ngay...! - Thằng em vằn mắt, gằn giọng.
Trong khoảnh khắc, tôi chợt hiểu ra... và tự nhiên thấy đất dưới chân chao mạnh, nghiêng ngả...

* * * *

Sáng hôm sau, tôi tỉnh dậy, thấy mình đang nằm đúng ngay trên chiếc giường anh Thường vừa nằm chiều hôm trước. Thoáng rùng mình, tôi nhớ lại cái khoảnh khắc mặt đất chao mạnh, nghiêng ngả....

Không thấy ai. Tôi nhỏm dậy, lần ra cửa, đầu hơi váng nhưng không sao. Tôi phải về chứ không phải xuống nhà lạnh! Tôi phải ra khỏi nơi này để lo việc cho anh Thường và phải đi tiếp con đường đó mà không có anh; Người bạn đường "lý luận đầy mình" ấy đã bỏ cuộc từ lâu mà bây giờ tôi mới bẽ bàng nhận ra. Có thể, con đường Thiên lý đó được chia thành bốn chặng chủ yếu: Chưa biết -  biết - hiểu những điều đã biết - thực hành những điều đã hiểu. Đáng tiếc thay, tôi, khi đã tiêu gần hết quỹ tuổi thọ của mình, bất quá cũng chỉ mới loanh quanh đâu đó ở phần cuối chặng thứ hai hoặc cùng lắm mới chớm vào phần đầu của chặng thứ ba. Mặc kệ, tôi vẫn cứ đi, như một kẻ bị chi phối bởi sức nặng của một lời nguyền cổ tích! Nhanh hay chậm: không quan trọng! Có đến được đích hay không: không quan trọng! Cũng bởi, không biết đích xác từ bao giờ, tôi luôn bị ám ảnh và không có cách gì để gỡ ra khỏi đầu lời một gã bạn có đôi mắt sáng-khoẻ và nổi danh là "Hà Tây đệ nhất hâm" từ năm gã mới có 21 tuổi:
"Có cuộc đời nào không đi mà tới đích
Dù cái đích rất gần cũng vẫn phải ra đi!"... [1]
Âu cũng là cái duyên tiền định!
Tôi gặp cô y tá hôm trước ở ngay cửa ra vào:
-  Vừa mới tỉnh mà đã đi sùng sục như thế à? - Cô hốt hoảng, cau có mắng tôi.
-  Tôi ra ngoài này một chút cho thoáng thôi mà - Tôi láu cá trả lời.
Đợi cô ta đi khuất, tôi vuốt lại mép áo cho đỡ nhăn, dùng tay khoả lại món tóc trước trán cho gọn rồi quả quyết lẻn thật nhanh ra khỏi cổng bệnh viện./.

Tháng 6 năm 2004
Chú thích:
[1] Thơ Hoàng Xuân Niên (Hoàng Lê Tuyết Minh)



- MỤC KHÁC
giới tính l Phần mềm l Xem bói l girl xinh vn l Game Hot l girl xinh l GIẢI TRÍ l Trà sữa l mẹo vặt l thủ thuật l sms l Cẩm nang l nhạc chuông l Đọc Truyện
Hosting By Xtgem.com
U-ON bonba9x